Thách thức điều hành tín dụng, tỷ giá và xử lý nợ xấu

Thách thức điều hành tín dụng, tỷ giá và xử lý nợ xấu
3 giờ trướcBài gốc
PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế. Ảnh: ST
Thưa ông! Năm 2024 đã đi qua. Nhìn lại năm cũ, ông có cảm nhận như thế nào về bức tranh tiền tệ và hoạt động ngân hàng?
Năm 2024, ngành ngân hàng có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành các mục tiêu. Như chúng ta đã biết, đồng đô la Mỹ (USD) tương đối mạnh trong cả năm. Lãi suất của đồng Việt Nam (VND) thấp hơn lãi suất USD nên sức ép tăng lãi suất, tỷ giá rất lớn, gây ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, về cơ bản, đây là một năm mà NHNN đã điều hành tỷ giá hối đoái tương đối tốt, chênh lệch giữa VND so với USD ở mức 5% trong bối cảnh đồng tiền của nhiều quốc gia khác trên thế giới chịu biến động lớn từ USD. Đơn cử, đồng Yên Nhật có lúc biến động tới 30 - 40% so với USD.
Việc điều hành tỷ giá tương đối linh hoạt không chỉ giúp ổn định kinh tế - xã hội trong nước, ổn định xuất nhập khẩu mà đây còn là cơ hội nâng giá trị đồng tiền Việt Nam, là cơ sở để tránh nguy cơ bị xếp vào quốc gia thao túng tiền tệ.
Đặc biệt, mức lạm phát năm 2024 dưới 4% cho thấy đóng góp lớn của ngành ngân hàng trong việc giữ giá đồng tiền cũng như ổn định giá cả, đảm bảo cân đối vĩ mô.
PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh
Bên cạnh sức ép tỷ giá, có thể thấy, ngành ngân hàng cũng đứng trước những khó khăn bởi sau một thời gian dài, gần đến thời điểm hết hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02) nên các ngân hàng cũng phải lo chuyện bố trí, sắp xếp nguồn vốn cho vay thế nào cũng như là lời lãi, vốn dự trữ ra sao để xử lý nợ xấu.
Trong khi đó, năm 2023 và 2024, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng giữ ổn định, thậm chí là giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự ổn định, thị trường trái phiếu DN gặp khó khăn trong việc phát hành. Do vậy, vốn ngân hàng là "cứu cánh" cho DN sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, NHNN cũng đã sớm có những thay đổi trong điều hành tín dụng bằng việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho toàn hệ thống ngay từ cuối năm 2023. Điều này giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc huy động vốn cũng như bố trí nguồn lực để cho vay. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 nhanh hơn so với năm 2023 và kết thúc năm, tăng trưởng tín dụng là 15,08%, đạt mục tiêu mà NHNN đặt ra.
Ảnh minh họa. Nguồn: ST
Năm 2024, các ngân hàng cũng quan tâm hơn đến cho vay tín chấp, không cần minh chứng dự án, tài sản bảo đảm. Việc nới rộng cho vay tín chấp đối với các hộ gia đình, các DN nhỏ lẻ tạo thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
NHNN cũng đã có chỉ đạo, thay đổi một số cách thức quản lý cũng như yêu cầu về xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, giúp ngân hàng có được cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu, trích lập quỹ dự phòng phù hợp.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NNHN đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém.
Đối với công tác quản lý thị trường vàng, năm 2024, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng miếng, cung cấp vàng ra thị trường, cho phép 4 ngân hàng có vốn cổ phần lớn của Nhà nước và Công ty SJC tham gia bán vàng miếng để bình ổn thị trường, giúp giá vàng của Việt Nam gần hơn với giá vàng thế giới, tạo điều kiện để thị trường vàng ổn định nhưng đồng thời tránh được hiện tượng vàng hóa và tránh việc phải chi quá nhiều tiền để mua vàng cung ứng ra thị trường.
Ông có nói đến thành công trong điều hành tín dụng năm 2024. Tuy nhiên, nhìn lại năm qua có thể thấy, tín dụng ì ạch trong nhiều tháng và chỉ bứt phá vào một, hai tháng cuối năm. Một số ý kiến lo ngại rằng việc tín dụng tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể khiến chất lượng tín dụng dễ bị bỏ qua. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi lại cho rằng không quá lo ngại vấn đề này. Tín dụng vẫn là một trong những chỉ tiêu hàng đầu mà NHNN quản lý. NHNN đã yêu cầu chỉ tiêu cho vay ở mức phù hợp, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Kể cả đối với cho vay tín chấp, DN cũng phải chứng minh lượng vốn ra, vốn vào thế nào. DN cần tiền nhưng không có kế hoạch, không có tài sản bảo đảm thì làm sao vay được tiền.
Quản lý chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu, bởi nếu có vấn đề gì xảy ra thì an toàn hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh
Chỉ có điều trong thực tế, đầu tư công thường chậm vào những tháng đầu năm và mạnh lên ở những tháng cuối năm. Đây là giai đoạn mà thời tiết hanh khô, tạo thuận lợi cho việc xây dựng các công trình. Cuối năm cũng là dịp các DN sản xuất công nghiệp cần lượng vốn lớn để dự trữ, chuẩn bị cho hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết dương lịch, âm lịch. Điều đó làm cho vốn tín dụng cuối năm tăng vọt, đặc biệt là vốn cho xây lắp các công trình cuối năm. Đó là xu thế chung của nền kinh tế, năm nào cũng thế, cứ cuối năm là nhu cầu về vốn của các DN tăng vọt lên.
Bên cạnh những điểm sáng, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm qua còn có điều gì khiến ông cảm thấy băn khoăn?
Theo quan sát của tôi, bên cạnh những việc đã làm được, ngành ngân hàng vẫn gặp những khó khăn trong việc xử lý các tổ chức tín dụng có nợ nần dây dưa. Một số cơ chế chính sách về chuyển đổi số ngân hàng vẫn chậm so với yêu cầu.
Việc gia hạn Thông tư 02 cũng là một trong những điều cần xem xét. Nền kinh tế cơ bản phục hồi như thời kỳ trước Covid, đã đến lúc tổng kết Thông tư 02 để chấm dứt hoạt động này, đưa việc vay mượn của các DN vào nền nếp.
Việc tổng kết, xem xét sửa đổi Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) cho phù hợp với tình hình thì chưa được như mong muốn. Thực ra, Nghị định 24 chỉ tập trung sửa một chút thôi, còn lại nó vẫn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, dù sao cũng cần có tổng kết và sớm đưa ra phương hướng sửa đổi trong năm 2025.
Ngoài những vấn đề ông vừa trao đổi, theo ông, năm 2025, NHNN cần lưu ý gì trong điều hành chính sách tiền tệ?
Năm 2025, NNHN cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và giao ngay từ đầu năm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta thực sự mong muốn là giảm tỷ lệ tín dụng trên GDP, bởi tỷ lệ này đang quá lớn, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Nhưng trước yêu cầu của Chính phủ là hệ thống ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì rõ ràng, tăng trưởng tín dụng vẫn cần ở mức tương đối cao.
Để tăng trưởng kinh tế như mức Quốc hội và Chính phủ đề ra, tín dụng phải tăng mạnh. Dự báo, nếu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8 - 7,3% thì tín dụng khoảng 13 -15% nhưng nếu tăng trưởng kinh tế ở mức 7,3 - 7,8% thì tăng trưởng tín dụng 15-16%. Thủ tướng muốn tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% và hơn thế nữa thì tín dụng phải đột phá hơn nữa.
Năm 2025, việc giữ ổn định VND so với USD cũng là một trong những vấn đề lớn vì USD sẽ lên giá nếu Tổng thống Donald Trump áp dụng biện pháp như nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh
Khi nền kinh tế Mỹ và đồng USD mạnh lên, nếu Việt Nam không khéo léo và không nghệ thuật trong điều hành thì việc giữ ổn định tỷ giá rất khó khăn. Có thể thấy, đồng USD tăng giá sẽ tác động mạnh đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Một thách thức nữa của ngành ngân hàng là khi Thông tư 02 hết hạn, nợ xấu tăng cao. Việc xử lý nợ xấu cũng là vấn đề của ngành ngân hàng. Chúng ta cũng nên chấm dứt việc cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02 để hệ thống tài chính tiền tệ minh bạch, công khai, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
THÀNH ĐỨC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/thach-thuc-dieu-hanh-tin-dung-ty-gia-va-xu-ly-no-xau-37811.html