Thách thức đối với các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump

Thách thức đối với các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump
2 giờ trướcBài gốc
Hai giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp - con số kỷ lục chưa từng thấy trong các đời tổng thống Mỹ.
“Với những hành động này, chúng ta sẽ bắt đầu quá trình khôi phục hoàn toàn nước Mỹ và cuộc cách mạng về lẽ phải”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 20/1.
Tổng thống Trump ký ban hành gần 100 sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức hôm 20/1/2025. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, các sắc lệnh hành pháp của ông Trump vấp phải sự phản đối từ các học giả và nhóm khác. Họ cho rằng ông đã vượt quá giới hạn quyền lực tổng thống.
Một số người chỉ trích thậm chí còn đệ đơn kiện trước khi chữ ký của ông ráo mực để đảm bảo rằng nó sẽ chưa phải là lời nói cuối cùng quyết định hiệu lực của các sắc lệnh hành pháp.
Các sắc lệnh hành pháp mà ông Trump vừa ký ban hành bao gồm nhiều khía cạnh trong đời sống của Mỹ cũng như chính sách quốc gia. Mỗi sắc lệnh đều thể hiện rằng ông đã bắt đầu thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.
Ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp về di cư và sẽ sớm tăng cường quân đội đến biên giới phía Nam. Ông cũng bắt đầu chấm dứt các chương trình đa dạng và hòa nhập của chính phủ (DEI), hạn chế số lượng giới tính mà chính phủ công nhận chỉ còn 2.
Các sắc lệnh hành pháp cũng bao gồm một số vấn đề mà các học giả và chuyên gia pháp lý cho rằng có thể vượt quá quyền hạn của tổng thống và có thể bị mắc kẹt trong các tòa án hoặc cơ quan lập pháp trong nhiều năm, chẳng hạn như việc chấm dứt quyền sinh ra tại Mỹ là công dân Mỹ, vốn được quy định trong Hiến pháp, hay việc ông Trump muốn đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
Chiến dịch “gây sốc”
“Đó là một chiến dịch ‘gây sốc’ thông qua các sắc lệnh hành pháp. Việc gây sốc đó là để gửi thông điệp đến những người chỉ trích và quan trọng hơn cả là gửi đến các cử tri, những người ủng hộ ông, rằng ông đã quay lại và ông sẽ cố gắng thực hiện những cam kết trong chiến dịch, ông sẽ làm điều đó một cách quyết liệt”, ông Matthew Dallek, một nhà sử học chính trị tại Đại học George Washington, nói.
Việc ông Trump ban hành gần 100 sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức cũng là động thái rất đáng chú ý. Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Nhà Trắng và chiếm đa số ở cả hai viện của Quốc hội. Tòa án tối cao Mỹ cũng có đa số là thẩm phán bảo thủ. Những yếu tố này có thể đảm bảo các chính sách của ông dễ dàng được phê duyệt. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chọn sử dụng quyền ban hành sắc lệnh hành pháp của tổng thống để vừa thể hiện nỗ lực của ông, vừa đảm bảo chúng có hiệu lực sớm nhất mà không bị chậm trễ trong quá trình cần phê duyệt tại quốc hội.
Dù kết quả pháp lý cuối cùng ra sao, các sắc lệnh hành pháp đã mang lại cho những người ủng hộ ông Trump cảm giác về sự tiến bộ. Chúng cũng chuyển áp lực chính trị sang các đối thủ của ông Trump nếu họ cố gắng đảo ngược các chính sách mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.
“Ông ấy muốn hành động mạnh mẽ và ngay lập tức. Việc ban hành sắc lệnh hành pháp cho phép Tổng thống tuyên bố chiến thắng chính sách ngay trong ngày đầu tiên thay vì trong 100 ngày đầu. Các chính sách có hiệu lực ngay từ thời điểm được ký ban hành cũng sẽ tạo ấn tượng tích cực cho tân Tổng thống khi mọi con mắt đang đổ dồn về ông ấy”, Thad Kousser, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego, nói.
“Các tổng thống không chỉ quan tâm đến những gì họ ký ban hành, mà còn quan tâm đến những gì họ được nhìn nhận và đánh giá... Cho dù sau đó các sắc lệnh hành pháp có thể bị tòa án hoặc tổng thống kế nhiệm hủy bỏ, nhưng tổng thống ban hành chúng đã tạo ra một dấu ấn và ít nhất mang lại một chiến thắng trước mắt”, ông Kousser bình luận.
Những vụ kiện đầu tiên
Một số sắc lệnh của ông Trump đã đối mặt với thách thức pháp lý ngay lập tức. Trước khi ông Trump rời khỏi Tòa nhà Quốc hội, nơi ông tuyên thệ nhậm chức, đã có 3 đơn kiện về việc ông bổ nhiệm nhà sáng lập Tesla, Elon Musk điều hành Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE). Các nhóm đừng sau các vụ kiện nói rằng DOGE vi phạm quy định về tính minh bạch đối với các nhóm tư vấn của chính phủ.
Ngay sau khi thắng cử nhiệm kỳ hai, ông Trump đã chọn Elon Musk làm người đứng đầu DOGE, nhằm cắt giảm chi tiêu và điều chỉnh các quy định của chính phủ. Nhóm này đã thuê hàng chục nhân viên để lập danh sách các khuyến nghị, thường xuyên trao đổi qua ứng dụng tin nhắn mã hóa Signal.
Trong một đơn khiếu nại, công ty luật National Security Counselors cho rằng DOGE đang vi phạm Đạo luật Ủy ban Tư vấn Liên bang (FACA) vốn đã tồn tại hơn 50 năm, trong đó yêu cầu các ủy ban tư vấn cho chính phủ phải tuân thủ quy tắc cụ thể về công khai, tuyển dụng và các quy định khác.
“DOGE không được miễn trừ khỏi các quy định của FACA. Tất cả các cuộc họp của DOGE, bao gồm cả những cuộc họp qua phương tiện điện tử, phải được công khai cho công chúng’”, đơn kiện do Kel McClanahan, giám đốc điều hành của National Security Counselors, soạn thảo nêu rõ.
Ngày 21/1, Tổng chưởng lý 22 bang nộp đơn kiện để chặn kế hoạch xóa bỏ quyền công dân cho người sinh ra tại Mỹ của Tổng thống Trump.
22 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo cùng với thủ đô Washington và thành phố San Francisco đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston và Seattle, khẳng định Tổng thống Donald Trump đã vi phạm hiến pháp khi ra lệnh bãi bỏ quyền tự động cấp quốc tịch cho bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ, quyền được bảo đảm bởi Tu chính án thứ 14.
Vẫn chưa rõ liệu những nỗ lực của ông Trump nhằm bãi bỏ quy định sinh ra tại Mỹ là công dân Mỹ, cũng như các nỗ lực khác liên quan đến người nhập cư, có thể vượt qua thách thức pháp lý hay không.
Tất cả các tổng thống trong lịch sử hiện đại đều sử dụng một loạt sắc lệnh hành pháp để chứng minh cam kết ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên trong nhiệm kỳ của họ và những nỗ lực này không phải lúc nào cũng thành công.
Năm 2009, Tổng thống mới nhậm chức khi đó là Barack Obama đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp để đóng cửa nhà tù Guantanamo của Mỹ ở Cuba. 16 năm sau, nhà tù này vẫn còn hoạt động và 15 người vẫn đang bị giam giữ ở đó. Chính quyền của ông Obama gặp khó khăn trong việc vận động các bang tiếp nhận nghi phạm khủng bố vào nhà tù của họ.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Washington Post, CBS News, Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thach-thuc-doi-voi-cac-sac-lenh-hanh-phap-cua-tong-thong-trump-post1150336.vov