Để TP.HCM vươn lên thành trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu, đặc biệt là trở thành TP điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á cần có sự đầu tư bài bản và tháo gỡ những rào cản hiện có.
Hệ sinh thái điện ảnh TP.HCM chưa hoàn chỉnh
Theo NSND Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, mặc dù có sức hút và tiềm năng nhưng TP.HCM vẫn gặp không ít khó khăn để đưa điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mạnh.
Dù được tiếp sức bởi Luật Điện ảnh 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh kịp thời.
“Đặc biệt là các quy định về xã hội hóa trong xây dựng và vận hành quỹ phát triển điện ảnh, hay cơ chế kiểm duyệt dành cho các hoạt động đặc thù như Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF), Liên hoan phim ngắn…
Chúng ta đang thiếu hạ tầng chuyên biệt như phim trường, trung tâm hậu kỳ, thiết bị kỹ thuật cao cấp… và phần lớn vẫn phải dựa vào nguồn lực tư nhân” - NSND Thanh Thúy phân tích.
Bên cạnh đó, việc thiếu chính sách ưu đãi về thuế cũng khiến các đoàn làm phim trong và ngoài nước khó lòng sản xuất trọn vẹn tại TP.HCM. “Chi phí tăng, tính cạnh tranh giảm nên nhiều phim ngân sách lớn buộc phải quay phân tán ở nhiều địa phương” - NSND Thanh Thúy nói.
Đồng quan điểm, đạo diễn Trần Hữu Tuấn cũng nhấn mạnh điện ảnh Việt vẫn chưa có phim trường đạt chuẩn quốc tế - yếu tố cốt lõi để thu hút các đoàn phim ngoại.
Không khí sôi động tại một buổi biểu diễn ngoài trời trong khuôn khổ Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô tại quận 1,TP.HCM. Ảnh: BTC
Đặc biệt, theo nhà sản xuất phim Nguyễn Cao Tùng, người đứng sau thành công của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, cho rằng TP.HCM dường như vẫn đang thiếu một định hướng vĩ mô rõ ràng về vị thế điện ảnh trong bức tranh tổng thể của cả nước.
“Chúng ta chưa trả lời được câu hỏi: TP.HCM sẽ trở thành trung tâm gì trong hệ sinh thái điện ảnh Việt Nam? Tức là trong chuỗi mắt xích của ngành điện ảnh quốc gia, TP.HCM sẽ đóng vai trò gì nổi bật nhất?
Rõ ràng hiện nay sân chơi điện ảnh vẫn manh mún và mang tính tự phát, chủ yếu được dẫn dắt bởi một số công ty tư nhân hoặc đạo diễn có tên tuổi, chưa có sự hỗ trợ hay dẫn dắt mạnh mẽ từ Nhà nước” - ông Tùng nói.
Một điểm yếu khác là nguồn nhân lực làm phim. Từ biên kịch, đạo diễn, quay phim đến kỹ thuật viên hậu kỳ, TP.HCM vẫn chưa có đủ đội ngũ chuyên nghiệp với trải nghiệm quốc tế. Trong khi đó, tình trạng vi phạm bản quyền và xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp nhưng chế tài còn chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, không chỉ thiếu người làm nghề, mà ngành điện ảnh còn thiếu người phản biện.
Theo TS Phạm Huy Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, hiện chưa có trường nào ở miền Nam đào tạo ngành lý luận - phê bình điện ảnh một cách bài bản.
“Ngành nào không có lý luận phê bình thì không thể phát triển bền vững. Không ai lên tiếng, người làm nghề không biết đúng sai ở đâu để rút kinh nghiệm” - TS Phạm Huy Quang chia sẻ.
Ở góc độ truyền thông, ông Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cho rằng thị trường điện ảnh đang nghiêng mạnh về các sản phẩm thương mại tư nhân, trong khi phim lịch sử đặt hàng từ Nhà nước còn quá ít.
“Một yếu tố quan trọng bị bỏ quên là truyền thông - PR. Chúng ta chưa có đội ngũ làm truyền thông bài bản cho điện ảnh, đó là khoảng trống lớn cần tính toán lại” - ông Cẩn cho hay.
Thiếu hụt sân khấu biểu diễn quy mô lớn
Dù được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng, công nghiệp biểu diễn hiện chỉ đóng góp khoảng 0,08% GRDP của TP.HCM (dự kiến đạt 0,09% vào năm 2030) - một con số khiêm tốn nếu so với tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu dùng văn hóa trong TP.
Theo ông Cẩn, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt qua mô hình Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò dô - sự kiện quy tụ các ban nhạc quốc tế suốt bốn mùa qua. Tuy nhiên, hai bài toán lớn đang cản bước ngành biểu diễn phát triển chuyên nghiệp: Nhân lực tại chỗ và hạ tầng tổ chức.
“Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò dô muốn mở rộng quy mô cũng không biết tổ chức ở đâu. Phố đi bộ Nguyễn Huệ quá tải, các yêu cầu về an ninh, PCCC đều là thách thức lớn. Trong khi đó, những địa điểm sẵn có như Nhà hát Hòa Bình đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại” - ông Cẩn thẳng thắn.
Bối cảnh phim trường “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” tại Củ Chi (TP.HCM). Ảnh: ĐPCC
Chung quan điểm, bà Ngô Vân Hạnh, nhà sản xuất chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, gọi sự thiếu hụt sân khấu quy mô lớn (40.000-50.000 khán giả) là “rào cản nhức nhối nhất” hiện nay. Theo bà Hạnh, không có địa điểm cố định đạt chuẩn khiến nhà tổ chức buộc phải dựng sân khấu tạm (pop-up stadium), vừa tốn kém vừa không đủ điều kiện đón các ngôi sao quốc tế.
“Đây không chỉ là vấn đề của riêng TP.HCM, mà là thách thức mang tính hệ thống. Thiếu sân khấu lớn, sự kiện khó mở rộng quy mô; mà không có quy mô thì cũng không thể phát triển thành ngành công nghiệp đúng nghĩa” - bà Hạnh nói.
Không chỉ các sân khấu lớn, mà phân khúc biểu diễn vừa và nhỏ - vốn chiếm phần đông thị trường cũng đang bị bỏ ngỏ.
Nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc của Liên hoan âm nhạc quốc tế Hò dô, nhận định: “Nghệ sĩ không phải ai cũng làm show tại sân vận động. Chúng ta cần nhiều sân khấu vừa vặn, chuyên nghiệp cho các phân khúc phổ thông - nơi nuôi sống thị trường. Nhưng ở mảng này, TP gần như trắng không gian”.
Kỳ tới: Để TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa
Sáu nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong giai đoạn 2021-2030
Tại Tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa ở TP.HCM hướng đến mục tiêu xây dựng TP sáng tạo vào tháng 12-2024, NSND Thanh Thúy nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 cần gắn chặt với tầm nhìn đưa TP.HCM trở thành TP sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh. Việc tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO không chỉ mang lại cơ hội quảng bá mà còn thúc đẩy việc đầu tư vào thiết chế văn hóa, hoàn thiện hạ tầng và nâng cao năng lực tiếp cận văn hóa cho người dân. Bên cạnh đó, NSND Thanh Thúy cũng đề ra một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong giai đoạn 2021-2030:
Phát triển hạ tầng và quy hoạch cụ thể cho công nghiệp văn hóa: Xây dựng các khu công nghiệp văn hóa tích hợp phim trường, trung tâm biểu diễn, triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên biệt.
Tăng cường liên kết vùng và quốc tế: Kết nối để hình thành các sản phẩm nghệ thuật, du lịch văn hóa đặc trưng, có sức lan tỏa khu vực và quốc tế.
Hoàn thiện thể chế, chính sách: Tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để xây dựng khung pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển mạng lưới sản xuất - phân phối sản phẩm văn hóa.
Phát triển nhân lực ngành sáng tạo: Đầu tư đào tạo bài bản, từ lý luận - phê bình, kỹ thuật, sản xuất đến quản lý văn hóa. Chính sách trọng dụng nhân tài cũng cần được cụ thể hóa.
Ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo: Khuyến khích chuyển đổi số trong toàn chuỗi giá trị sáng tạo - từ sản xuất đến tiếp thị, phân phối. Hợp tác với các trung tâm công nghệ trong và ngoài nước để đưa công nghiệp văn hóa bắt kịp xu hướng toàn cầu.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hiệu lực thực thi để bảo vệ tài sản sáng tạo - yếu tố cốt lõi giúp ngành công nghiệp văn hóa phát triển bền vững.
Cuối cùng, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ của cả nước, TP.HCM cần xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh như một ngành chủ lực - từ đó tạo “hiệu ứng lan tỏa” cho toàn ngành công nghiệp văn hóa, xứng tầm với tiềm năng vốn có của TP.
VĂN HÀ