Thách thức trong bước chuyển mình cùng ngành logistics của tỉnh Bình Dương

Thách thức trong bước chuyển mình cùng ngành logistics của tỉnh Bình Dương
một ngày trướcBài gốc
Áp dụng nhiều giải pháp để phát triển logistics
Mới đây, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã ký quyết định "Phê duyệt kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030 và tầm nhìn 2050".
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương sẽ phát triển logistics theo hướng trở thành trung tâm vệ tinh, nơi tập kết hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và khu vực Đông Nam bộ, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài.
Phát triển mạnh lĩnh vực logistics là định hướng của tỉnh Bình Dương, trong ảnh là một góc nhà kho vận tải, trung chuyển hàng hóa tại Tp.Dĩ An,
Trong kế hoạch phát triển, UBND tỉnh Bình Dương khuyến khích các doanh nghiệp chủ động thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh logistics.
Bên cạnh đó, tập trung thiết lập mạng lưới cơ sở dữ liệu về logistics làm cầu nối cho doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà sản xuất, đối tác cung ứng dịch vụ logistics, phát triển mạnh loại hình dịch vụ e-logistics, dịch vụ quản trị chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong logistics qua nền tảng Blockchain, IoT (Internet kết nối vạn vật), AI, Big Data, cảm biến v.v… nhằm khắc phục những yếu kém, lạc hậu, nâng cao năng lực quản lý, tăng chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Thanh Chung (Giám đốc Công ty vận tải Thành Chung, tỉnh Bình Dương) chia sẻ: "Bình Dương nhiều năm qua phát triển rất nhanh, hàng loạt các khu công nghiệp nở rộ, hàng hóa vận chuyển giao thương liên tục.
Tuy nhiên, hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng khu vực đường huyết mạch như Quốc lộ 13, ĐT743, Mỹ Phước Tân Vạn... nối đến các khu công nghiệp, cảng cạn, cảng nước nhưng vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe, quá tải, gây mất thời gian và tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, để thu hút hơn nữa doanh nghiệp cũng như phát triển ngành logistics Bình Dương cần phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, đặt biệt các tuyến đường kết nối, khu vực cảng thuận tiện".
"Ngoài những giải pháp về hạ tầng giao thông, Bình Dương cần cân nhắc tính toán về giá thành kho bãi, áp dụng công nghệ số vào trong lĩnh vực này để rút ngắn các thủ tục. Bên cạnh đó, cần tạo liên kết các doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng tốt hơn để thu hút, tạo tiềm lực cho nhiều bên", ông Chung cho hay.
Phát triển xây dựng hệ thống cảng là điều cần thiết trong phát triển logistics.
Chia sẻ với PV, ông Phan Huy Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận chuyển Quốc tế Phan Trí Express cho rằng: "Hiện nay công nghệ ngày càng làm chủ và đi sâu vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đặc biệt, kho bãi hiện nay rất cần thiết vì ngành thương mại điện tử, vận tải cũng rất cần.
Chính vì vậy, để logistics thuận tiện hơn cơ quan chức năng cần phải nâng cấp hạ tầng, kết nối đồng bộ các khu vực với nhau, giảm thiểu tình trạng kẹt xe, thủ tục kho bãi… điều này sẽ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạ giá thành và điều này cũng giúp cho sự phát triển của logistics một tỉnh phát triển ổn định".
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực logistics
Việc triển hệ thống logistics dựa trên quan điểm xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn được đánh giá là yếu tố động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Kẹt xe là bài toán nan giải trong quá trình phát triển lĩnh vực logistics.
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của kế hoạch mà tỉnh Bình Dương đề ra như: Rà soát, điều chỉnh phương án/quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu và các quy hoạch ngành, địa phương có liên quan (đất đai, xây dựng; công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, giao thông vận tải, đô thị, công nghệ thông tin, du lịch,…) thích ứng, phù hợp kế hoạch phát triển logistics; tích hợp sâu dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển ngành, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ cấu sản xuất phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, phát triển đa dạng về loại hình nhà cung ứng dịch vụ logistics, bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khuyến khích thu hút các dự án phát triển dịch vụ logistics có quy mô lớn; tính chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ mới, hiện đại có khả năng cung ứng dịch vụ theo mô hình chuỗi cung ứng …
Ông Phan Huy Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận chuyển Quốc tế Phan Trí Express nhận định rằng, Bình Dương đã và đang là một tỉnh phát triển, có những ưu thế lớn trong việc cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp có nguồn vốn là năng lực.
Để logistics trở thành "mũi nhọn" phát triển hơn nữa, thì chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics phải phù hợp hơn, vận tải đa phương thức, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics. Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.
Trong đó, quan trọng các trung tâm logistics nên được quản lý chặt, phân hóa luồng hàng đi thuận tiện. Bên cạnh đó, xây dựng tốt nguồn nhân lực, vật lực am tường và có thế mạnh về logistics trong và ngoài nước đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...
Hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách chiến lược, tạo đầu mối liên kết của các doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh.
Phát triển mạnh hạ tầng giao thông, cơ sở kết nối khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển ngành logistics ở Bình Dương.
Trong khi đó, bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương cho rằng: "Logistics là ngành kinh tế quan trọng và chiến lược của tỉnh Bình Dương. Bình Dương luôn hướng tới sự đổi mới, phát triển trong đó logistics đóng vai trò kết nối hàng hóa trong tỉnh cũng như khu vực".
Theo Chủ tịch Hiệp hội logistics tỉnh Bình Dương, cơ sở hạ tầng phục vụ cho lĩnh vực này tại Bình Dương đang phát triển rất mạnh, từ hạ tầng, cảng cạn, cảng nước…
Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ số gắn liền với từng khâu đang được đẩy mạnh sẽ giúp Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; đưa dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Trong kế hoạch phát triển lĩnh vực logistics, UBND tỉnh Bình Dương duyệt khu vực phát triển dọc đường Vành đai 4 Tp.HCM thuộc địa bàn Tp.Bến Cát sẽ trở thành khu đô thị Cảng - Logistics - Dịch vụ (quy mô hơn 2.702ha, khu vực xã An Tây, xã An Điền và Phú An, Tp.Bến Cát).
Theo đó tại khu vực trên sẽ xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 3.400 tỷ đồng. Khi cảng hoàn thành sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín, giảm chi phí logistic và thúc đẩy liên kết với các vùng Đông Nam bộ như Tp.HCM - Đồng Nai thông qua các tuyến đường sông, đường vành đai.
Ngoài ra, tỉnh này đang đồng bộ hóa hạ tầng, kết nối đến các tỉnh thành, tuyến đường sắt cũng được Bình Dương khai thác để vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và đến tận biên giới Trung Quốc.
Phùng Sơn
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/thach-thuc-trong-buoc-chuyen-minh-cung-nganh-logistics-cua-tinh-binh-duong-204250219221358873.htm