Phát hành trái phiếu khởi sắc 6 tháng đầu năm
Theo thống kê từ FiinGroup, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6/2025 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ với giá trị phát hành lên tới 105.500 tỷ đồng, tăng 52,4% so với tháng trước, toàn bộ đều là phát hành riêng lẻ và không có trường hợp phát hành ra công chúng.
Siết đòn bẩy tài chính, doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu vốn.
Đây là tháng có giá trị phát hành cao nhất trong nửa đầu năm và là điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2025. Trong đó, tuần cuối tháng 6 được ghi nhận là tuần khá “rực rỡ”, khi theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ ngày 23/6 - 27/6, thị trường ghi nhận 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 46.777 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 248.600 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm áp đảo với 88,8% tổng lượng phát hành (+72,4%), còn phát hành ra công chúng chiếm 11,2% (+62,3%).
Về cơ cấu phát hành, mặc dù tổ chức tín dụng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo với tỷ trọng vượt trội, chiếm đến 83,2% tổng giá trị phát hành trong tháng 6, tính chung nửa đầu năm, nhóm này chiếm 76% giá trị phát hành, song lãi suất trung bình chỉ khoảng 5,5%, trong khi nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng chấp nhận mức lãi suất cao hơn, trung bình khoảng 9,8% trong tháng. Nhóm doanh nghiệp phi tài chính chiếm 24% tổng lượng phát hành, tuy có phần suy giảm về tỷ trọng nhưng vẫn ghi nhận mức phục hồi nhẹ về giá trị (+17,1% so với cùng kỳ năm ngoái).
Mặc dù hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc, song các số liệu của FiinRatings cho biết, thị trường trong tháng 6 ghi nhận thêm 4,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu “có vấn đề”, như rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, và rủi ro pháp lý từ các doanh nghiệp, nâng tổng giá trị này lên 23 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Con số này đã giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 45,8% giá trị trái phiếu có vấn đề đến từ nhóm ngành bất động sản, 16,4% từ ngành sản xuất, 8,7% từ ngành xây dựng và 28,6% còn lại đến từ các lĩnh vực khác.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có trái phiếu doanh nghiệp vấn đề trong tháng 6 có sức khỏe tín dụng yếu đi trong nhiều năm và đã xảy ra tình trạng chậm trả/giãn hoãn từ trước, hoặc cùng trong hệ sinh thái với các tổ chức phát hành trái phiếu có vấn đề trước đó. Trong khi với nhóm các tổ chức phát hành bất động sản, doanh nghiệp đã thể hiện dấu hiệu phục hồi tình hình kinh doanh và có nhiều động thái tích cực trong việc xử lý trái phiếu đã vi phạm/giãn hoãn. Bên cạnh đó, vẫn có một số lô trái phiếu ghi nhận tình trạng tái chậm trả gốc/lãi trong 6 tháng đầu năm do doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thanh khoản để thanh toán cho trái chủ.
Về hoạt động mua lại trái phiếu trong tháng 6 cũng diễn ra sôi động với tổng giá trị lên tới 48.700 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với tháng trước và gần gấp đôi cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh nghiệp thuộc nhóm tổ chức tín dụng dẫn đầu hoạt động mua lại, chiếm tới 80,5% tổng giá trị, tiếp theo là bất động sản với 6,0%. Tuần cuối tháng 6, các doanh nghiệp đã mua lại 7.880 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị mua lại đạt 110.000 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự chi phối của nhóm tổ chức tín dụng (55%) và bất động sản (22,1%).
Siết đòn bẩy tài chính, doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu vốn
Về những tháng cuối năm, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2025, công ty không đại chúng khi phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tổng nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, việc siết quy định về đòn bẩy khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty chưa đại chúng nhằm hạn chế rủi ro thanh toán trái phiếu, nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, công khai, minh bạch, bền vững. Quy định mới không gây khó khăn cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, mà vẫn đảm bảo quyền và lợi ích cho các nhà đầu tư.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2024, có 13 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trên thị trường (không tính các ngân hàng thương mại) có dư nợ vay trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
Mặt khác, theo dữ liệu của VIS Rating cho thấy, nguyên nhân khiến 182 doanh nghiệp chậm trả trái phiếu hiện nay không phải do đòn bẩy cao, mà chủ yếu do dòng tiền yếu và quản lý thanh khoản yếu kém. Với các dữ liệu trên, các chuyên gia cho rằng quy định mới không ảnh hưởng đến quá nhiều doanh nghiệp và toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, mà chỉ tác động ngắn hạn đối với nhóm doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào vốn vay, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, việc siết tỷ lệ đòn bẩy sẽ rất tích cực tới thị trường, cũng như hoạt động cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Khi việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không còn dễ dãi như trước, doanh nghiệp buộc phải tìm nhiều con đường khác để huy động vốn như phát hành trái phiếu ra công chúng, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), bán vốn, vay vốn ngân hàng...
Tất cả các kênh huy động vốn này đều đòi hỏi doanh nghiệp phải củng cố sức mạnh tài chính, hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn. “Việc áp dụng hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không quá 5 lần mang hướng thắt chặt về điều kiện tài chính của nhà phát hành trái phiếu nhưng sẽ ít có ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ”, FiinRatings nhận định.
Hà An