Ngày 12/5, tỉnh Thái Bình đã tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án Khu công nghiệp Hưng Phú.
Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài 60,9km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6km, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3km, đi qua 2 huyện: Thái Thụy và Kiến Xương. Đây là dự án được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư trên 19.784 tỷ đồng. Điểm đầu dự án thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và điểm cuối tại xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,5m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Cầu vượt hoàn thành vào đầu năm 2025, hiện cho khai thác tạm thời trong lúc chờ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08). (Ảnh: VOV)
Đây là tuyến cao tốc nằm trong mạng lưới giao thông trục ngang ven biển theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng, kết nối các tuyến giao thông trọng yếu của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối các khu kinh tế ven biển và vùng kinh tế động lực Bắc Bộ, góp phần chia sẻ lưu lượng với các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 39 và các trục đường bộ ven biển hiện hữu.
Đồng thời, tuyến giao thông chiến lược của khu vực Đông Bắc Bộ được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển quan trọng, góp phần kết nối các tỉnh, thành phố phía Nam Thủ đô Hà Nội với vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tuyến đường này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế ven biển, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững cho tỉnh Thái Bình trong giai đoạn tới.
Khu công nghiệp Hưng Phú nằm trên địa bàn hai xã Nam Hưng, Nam Phú (Tiền Hải), có vị trí chiến lược trên trục phát triển phía Nam của Thái Bình và tiềm năng để hình thành một cực tăng trưởng công nghiệp mới. Dự án có quy mô quy hoạch 350 ha, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú làm chủ đầu tư.
Đặc biệt, Khu công nghiệp Hưng Phú có lợi thế về kết nối giao thông - logistics. Nằm kề tuyến đường thủy nội địa cấp I sông Hồng, khu công nghiệp có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống cảng sông ngay trong nội khu, giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, kết nối nhanh chóng với các trung tâm sản xuất, tiêu dùng lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và ra cảng biển đi quốc tế, đồng thời đóng vai trò đòn bẩy kích hoạt chuỗi giá trị công nghiệp - dịch vụ - đô thị hóa.
Những triển vọng về hạ tầng giao thông cũng như phát triển khu công nghiệp sẽ giúp tỉnh Thái Bình nâng cao khả năng thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Điển hình, dự án nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J tại Khu công nghiệp Hưng Phú được khởi công cùng ngày là kết quả của sự hợp tác giữa Tập đoàn Geleximco, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo và Tập đoàn Chery (Trung Quốc).
Phối cảnh nhà máy sản xuất ô tô ô tô GEL-O&J tại Khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình
Nhà máy có quy mô sử dụng đất hơn 381.000m2, tương đương 38,1 ha; tổng vốn đầu tư 319 triệu USD; công suất sản xuất, lắp ráp khoảng 120.000 xe ô tô/năm. Với suất đầu tư đạt 8,37 triệu USD/ha, dự án này được đánh giá là có chất lượng đầu tư cao vượt trội so với mặt bằng chung các khu công nghiệp hiện nay.
Theo kế hoạch, tiến độ triển khai dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ quý IV/2026, trong khi giai đoạn 2 sẽ vận hành từ quý IV/2029. Khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy dự kiến đạt doanh thu khoảng 75.000 tỷ đồng/năm, đóng góp trên 10.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo hơn 1.000 việc làm trực tiếp.
Sáng ngày 12/5/2025, tại lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026 để đưa tuyến đường vào khai thác sớm, tạo lợi thế cho tỉnh Thái Bình và vùng đồng bằng sông Hồng, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Đồng thời lưu ý các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với nhau để khai thác hiệu quả tuyến đường huyết mạch quan trọng này. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương giải quyết công việc theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tiến Thành