Các đại biểu bấm nút khởi công nhà máy sản xuất rượu soju tại tỉnh Thái Bình.
Nhà máy xây dựng trên diện tích 8,2ha với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD. Sau khi hoàn thành, công suất sản xuất dự kiến đạt 70 triệu lít soju mỗi năm. Dự án sẽ góp phần đáng kể vào ngân sách Trung ương và địa phương, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh Thái Bình và các khu vực lân cận.
Tại lễ khởi công, ông Kim In Kyu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hitejinro chia sẻ: Lịch sử của Hite-Jinro Group đại diện cho lịch sử của đồ uống có cồn Hàn Quốc. Jinro - Công ty Soju lâu đời nhất tại Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1924 và Hite được thành lập vào năm 1933 là công ty bia đầu tiên tại Hàn Quốc. Công ty luôn đặt chất lượng và sự hài lòng của khách hàng làm tiền đề cao nhất và là ưu tiên hàng đầu của mình trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của Công ty.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại lễ khởi công.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, Tập đoàn Hitejinro đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt, đánh dấu một bước tiên phong đổi mới. Lần đầu tiên trong lịch sử 100 năm, Hitejinro sẽ đặt dây truyền sản xuất rượu soju bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, và địa điểm được chọn chính là Khu công nghiệp Liên Hà Thái tại tỉnh Thái Bình, Việt Nam.
“Soju là loại rượu truyền thống của Hàn Quốc và đã trở thành hiện tượng toàn cầu với thương hiệu Jinro, rượu bán chạy nhất thế giới trong suốt 19 năm qua, hiện diện tại 86 quốc gia. Chúng tôi chọn Thái Bình làm địa điểm đầu tiên bên ngoài Hàn Quốc để mở rộng dây chuyền sản xuất quốc tế của mình”, ông Kim In Kyu nhấn mạnh.
Các đại biểu dự Lễ khởi công.
Công suất giai đoạn đầu đạt 1 triệu thùng mỗi năm và sẽ tăng lên 5 triệu thùng thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất. Sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn hướng tới xuất khẩu toàn cầu, qua đó lan tỏa mạnh mẽ văn hóa rượu soju.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh dự án này mang ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm mới. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đánh giá cao quyết định chiến lược của nhà đầu tư khi lựa chọn Khu công nghiệp Liên Hà Thái để triển khai dự án, khẳng định rằng khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tăng cường xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương.
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 11/2026, tiến hành chạy thử và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2027.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng dự án và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường. Các đơn vị thi công cần tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân quanh khu vực. UBND tỉnh cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án, hướng tới sự phát triển bền vững và lâu dài.
Thái Bình đã và đang thực hiện theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển công nghiệp là động lực; tương lai trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Kim Oanh