Thái Bình và những nghị quyết 'mở đường' phát triển - Bài 1: Tầm nhìn và quyết sách bước ngoặt

Thái Bình và những nghị quyết 'mở đường' phát triển - Bài 1: Tầm nhìn và quyết sách bước ngoặt
7 giờ trướcBài gốc
Đi lên từ một tỉnh nghèo, thuần nông, những nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã quyết liệt chuyển hướng, trước hết là đổi mới trong tư duy, tầm nhìn chiến lược, dài hạn và tạo dựng tâm thế mới để hiện thực hóa khát vọng phát triển.
“Quê hương 5 tấn” và những khát vọng đổi thay
Tỉnh Thái Bình có địa hình khá đặc biệt, 3 mặt giáp sông, mặt còn lại giáp biển. Nhìn trên bản đồ, “quê lúa” như hòn đảo giữa bốn bề sông nước. Do sự hội tụ cư dân từ “chín người mười làng” về hợp cư sinh tồn ở nơi đầu sóng ngọn gió, cửa ngõ của Biển Đông nên các thế hệ cư dân ở vùng đất này đã sớm hình thành và vun đắp nên những truyền thống nổi trội, góp phần tích cực vào quá trình tạo lập những tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bá Côn, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, người có nhiều năm tâm huyết nghiên cứu về lịch sử đất và người “quê lúa”, thì đây là miền đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đặc biệt là tinh thần quật khởi và khát vọng vươn lên. “Truyền thống đó được nhân lên và thể hiện rõ nét từ ngày có Đảng. Trong năm 1930, ở Thái Bình đã nổ ra hai cuộc biểu tình “long trời lở đất” của nông dân Tiên Hưng-Duyên Hà tại chợ Khô, xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng ngày 1-5 và tại Tiền Hải ngày 14-10, thu hút hàng chục nghìn quần chúng tham gia. Năm 1945, Thái Bình trải qua nạn đói khủng khiếp, càng thôi thúc khát vọng người dân theo Đảng làm cuộc cách mạng để đổi đời”, ông Côn chia sẻ.
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Good Way Việt Nam (Thái Bình). Ảnh: ĐỨC THẮNG
Trong các cuộc kháng chiến, nhất là 20 năm chống đế quốc Mỹ, Thái Bình tự hào là “quê hương 5 tấn” và cái nôi của Phong trào “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, vinh dự 5 lần được Bác Hồ về thăm. Đồng chí Đặng Trọng Thăng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù chỉ chiếm 5% diện tích canh tác của miền Bắc, Thái Bình luôn đóng góp cho Nhà nước 10-12% tổng lượng lương thực huy động của hậu phương lớn. “Quê hương 5 tấn” Thái Bình là biểu tượng về tinh thần nỗ lực thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc khi ấy. Bên cạnh đó, từ năm 1965 đến 1975, Thái Bình đã động viên 18% dân số lên đường tòng quân, làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc.
Những năm sau giải phóng, nhất là thời kỳ đổi mới, Thái Bình là cái nôi của nhiều mô hình, phong trào sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình “Điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch” những năm 90 của thế kỷ trước. Ông Nguyễn Bá Côn nhớ lại: “Khi ấy, Thái Bình trở thành mô hình nổi bật trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện có sai lầm, nhất là huy động sức dân quá mức và tham ô, tham nhũng, tiêu cực nên những năm 1997-1999, Thái Bình trở thành “điểm nóng” về trật tự xã hội, bất ổn về chính trị ở địa bàn nông thôn. "Sự kiện Thái Bình" ngày đó trở thành bài học đắt giá cho các chặng đường phát triển tiếp theo của tỉnh, nhất là hành trình mang những khát vọng vươn tới của lãnh đạo và nhân dân Thái Bình hiện nay”.
"Ánh sáng" vươn mình
Trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), Thái Bình đứng trước các thời cơ, vận hội nhưng cũng nhiều thách thức từ thực tiễn. Hàng loạt vấn đề đã và đang đặt ra, đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới với những đột phá phát triển. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhớ lại: “Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết trình Đại hội Đảng bộ tỉnh, có rất nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp về hướng đi trong chặng đường mới của tỉnh. Chúng tôi ý thức được rằng, thời gian và sự phát triển của đất nước đặt ra yêu cầu cho Đại hội Đảng bộ tỉnh phải có quyết sách mới, mang tính đột phá thì mới có thể theo kịp xu thế và sự phát triển chung, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân”.
Trên cơ sở thực tiễn, nắm bắt xu thế phát triển, đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ tỉnh, mà tập trung ở Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã sôi nổi thảo luận và thông qua nghị quyết, thể hiện tầm nhìn và khát vọng vươn tới của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Lần đầu tiên trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phát triển không chỉ trong nhiệm kỳ mà còn cả chặng đường dài 10 năm, 25 năm tiếp theo, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá. Trong đó, mục tiêu bao trùm là: “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng”.
Các chuyên gia tham quan Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Bình). Ảnh: ĐỨC THẮNG
Từ mục tiêu bao trùm, trong Nghị quyết Đại hội đã định ra các chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045. Đáng lưu ý là định hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một tỉnh nông nghiệp sang cơ cấu với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu. Cụ thể: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến năm 2025 đạt 80% trở lên, đến năm 2030 đạt 85% trở lên và đến năm 2045 đạt khoảng 90%. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 tăng gấp 1,8 lần so với năm 2025 và đến năm 2045 tăng gấp 6 lần năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu làm cho Thái Bình chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên thành vùng công nghiệp mới của khu vực Đồng bằng sông Hồng, trong nghị quyết đã đề ra nhiều giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp của Thái Bình với chiều sâu, chất lượng và sử dụng công nghệ xanh, hiện đại; khai thác tối đa các lợi thế của tỉnh, nhất là lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy nhanh chương trình phát triển đô thị, phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch sinh thái bền vững. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với yêu cầu của thị trường...
Mục tiêu càng cao, hành động càng phải quyết liệt
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với các quyết sách có tính chất “mở đường” đã mang đến khí thế, quyết tâm và niềm tin mới, lan tỏa trong toàn tỉnh. Để từng bước hiện thực hóa nghị quyết, Tỉnh ủy đã nhanh chóng ban hành chương trình hành động, cụ thể hóa thành các chương trình mục tiêu, cách làm phù hợp ở tất cả các ngành, các cấp, với tinh thần: Mục tiêu càng cao, khát vọng càng lớn thì tổ chức thực hiện càng phải quyết liệt. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, kết luận, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ để khơi thông các nguồn lực phát triển. Đó là chủ trương xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình với tham vọng trở thành khu công nghiệp lớn nhất từ trước đến nay, một trọng điểm, động lực phát triển mới của tỉnh; là định hướng phát triển thành phố Thái Bình tiến tới trở thành đô thị loại I với dáng vóc của một đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng; là lộ trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và nông nghiệp công nghệ cao; là các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm xây dựng chính quyền và đội ngũ cán bộ năng động, bám việc, sát dân...
Đặc biệt, Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đầu tư trí tuệ, công sức, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cho ra đời Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung Quy hoạch tỉnh có tầm nhìn chiến lược đã cụ thể hóa khát vọng đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững với mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, vạch ra lộ trình cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ vươn ra biển lớn của tỉnh nhà.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thái Bình gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, các chỉ tiêu, giải pháp trong nghị quyết đã thể hiện sinh động trong thực tiễn. Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định: “Qua 4 năm thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ, Thái Bình thực sự đã có nhiều đổi thay. Tỉnh ổn định và có thể nói chưa bao giờ có được tinh thần đoàn kết và quyết tâm, tin tưởng trong dân, trong Đảng như hiện nay”.
Riêng kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng bứt phá trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là những dấu ấn nổi bật của tỉnh. Năm 2022, GRDP tỉnh Thái Bình tăng trưởng 9,52% so với cùng kỳ, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2023, “quê lúa” tiến lên xếp thứ 20 cả nước. Tính đến hết quý II-2024, Thái Bình đã vươn lên vị trí thứ 16 cả nước về tăng trưởng kinh tế với GRDP 6 tháng đầu năm ước tính đạt 33.657 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Năm 2023 là năm Thái Bình chứng kiến làn sóng thu hút đầu tư chưa từng có trong lịch sử. Thu hút FDI của tỉnh đạt hơn 2,9 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022, đưa Thái Bình vào tốp 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.
Kết quả bước đầu minh chứng cho sự đúng đắn trong hướng đi và khát vọng phát triển của tỉnh. Để có thành quả đó, trên từng lĩnh vực, Thái Bình đều có cách làm riêng, độc đáo và sáng tạo mang tư duy, tầm nhìn mới.
(còn nữa)
Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thai-binh-va-nhung-nghi-quyet-mo-duong-phat-trien-bai-1-tam-nhin-va-quyet-sach-buoc-ngoat-798259