Nguồn: buddhistdoor.net
Chuyển ngữ & tổng hợp: Minh Khoa
Trước làn sóng khủng hoảng niềm tin vào đời sống tu viện do các vụ bê bối tài chính liên tiếp xảy ra tại nhiều ngôi chùa lớn, chính phủ Thái Lan vừa đưa ra một đề xuất đáng chú ý: Thành lập một “Ngân hàng Phật giáo” nhằm cải cách và hệ thống hóa công tác quản lý tài sản của hơn 40.000 tự viện trên toàn quốc.
Đề xuất do ông Suchart Tancharoen, Phó Chủ tịch Hạ viện Thái Lan, đưa ra như một nỗ lực cấp thiết để khôi phục sự minh bạch và niềm tin đối với Tăng đoàn – vốn được xem là trụ cột đạo đức và tinh thần của xã hội Thái Lan, nơi hơn 93% dân số theo đạo Phật.
“Chúng ta cần một hệ thống tài chính minh bạch, phân định rạch ròi giữa tài sản cá nhân của chư Tăng và tài sản của tự viện. Mọi khoản thu chi đều phải được ghi nhận, kiểm toán và giám sát đúng pháp lý. Việc này không phải kiểm soát, mà là bảo vệ uy tín Tăng đoàn.” ông Suchart phát biểu tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok.
Những năm gần đây, giới Phật tử Thái Lan không khỏi hoang mang trước hàng loạt vụ việc gây tổn thương lòng tin đại chúng:
- Wat Tri Thotsathep: cựu trụ trì đột ngột hoàn tục, trốn sang Lào giữa lúc điều tra tài chính chưa ngã ngũ.
- Wat Muang: hơn 22 triệu baht (tương đương 677.000 USD) biến mất khỏi văn phòng chùa.
- Wat Rai Khing và nhiều chùa lớn khác cũng dính lùm xùm về quỹ từ thiện, các mối quan hệ không phù hợp, hay lạm dụng quyền hạn.
Câu hỏi đặt ra là: Đâu là ranh giới giữa phạm hạnh và sở hữu? Giữa đạo lý xuất ly và vận hành tài chính hiện đại? Khi tâm còn động, tịnh hóa nội tâm cũng cần đi đôi với tịnh hóa thể chế.
Ảnh: buddhistdoor.net
Theo ông Suchart, mô hình “Ngân hàng Phật giáo” sẽ là nơi lưu trữ, giám sát và kiểm toán tài sản chùa theo tiêu chuẩn kế toán hiện đại. Tự viện có thể mở tài khoản riêng biệt cho các hoạt động công ích, giáo dục, từ thiện... dưới sự theo dõi chặt chẽ nhưng không can thiệp từ nhà nước.
“Chúng tôi không tìm cách thế tục hóa Tăng đoàn, mà chỉ muốn bảo vệ sự thanh tịnh nơi chùa chiền và khôi phục lòng tin của hàng triệu phật tử,” ông nói. “Mỗi vụ bê bối là một vết nứt trong nền đạo lý của quốc gia. Chúng ta không thể coi đây là thói quen cho đến khi nó trở thành cuộc khủng hoảng toàn diện.”
Dù đề xuất nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận cư sĩ và các nhà lãnh đạo Phật giáo có xu hướng cải cách, không ít ý kiến lo ngại rằng mô hình này có thể dẫn tới sự can thiệp quá mức của chính quyền vào tự trị Tăng đoàn, vốn được quy định bởi Luật Tăng đoàn (Sangha Act) và các cơ cấu giáo hội nội bộ.
Giới học giả Phật học cảnh báo: cải cách quản trị tài sản là cần thiết, nhưng phải trên tinh thần “trung đạo” – tránh cực đoan, không cưỡng ép, không chính trị hóa tôn giáo.
Như lời dạy trong Kinh Tăng Chi (Aṅguttara Nikāya): “Người giữ giới, sống tránh xa sự nhiễu loạn, là người hộ trì chính pháp.” – quản trị tài sản nếu không đi kèm với giới – định – tuệ thì chỉ là một lớp vỏ kỹ thuật, không thể gột rửa những bất ổn từ gốc rễ.
Ảnh: buddhistdoor.net
Trong bối cảnh mạng xã hội và báo chí điều tra ngày càng mạnh mẽ, việc che giấu hay né tránh sự thật không còn là lựa chọn. Nếu Tăng đoàn là thân thể sống động của chính pháp, thì minh bạch tài chính chính là hành trì ba-la-mật bố thí, trì giới và chân thật trong thời hiện đại.
Một “Ngân hàng Phật giáo”, nếu được thực hiện chuẩn chỉ và có sự đồng thuận rộng rãi từ giáo hội và cộng đồng phật tử, có thể trở thành công cụ bảo vệ niềm tin – như bát thanh thủy rửa sạch những vẩn đục ẩn tàng trong sinh hoạt tự viện.
“Bảo vệ niềm tin phật tử” không còn là khẩu hiệu mà là trách nhiệm chung – giữa nhà nước, tổ chức phật giáo và cộng đồng cư sĩ. Nếu mỗi ngôi chùa là một ngọn đèn trong đêm, thì hệ thống pháp lý và đạo đức vững vàng chính là gió chắn, giữ cho đèn khỏi tắt giữa cuồng phong.
“Tâm thanh tịnh là nền tảng tạo nên kinh tế vững bền nhất.” – một vị thiền sư Thái từng nói như vậy. Có lẽ, chính lúc này, câu nói ấy cần được soi sáng trở lại – không chỉ trên pháp tòa, mà trong từng trang sổ sách và hành động cụ thể của những người giữ trách nhiệm với phật pháp với văn hóa truyền thống của đất nước Thái Lan.
Nguồn: buddhistdoor.net (bài viết đăng ngày 8/7/2025)
Chuyển ngữ: Minh Khoa