Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương thu hút nhiều nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Trong 4 tháng đầu năm, do biến động khó lường của thị trường thế giới nên kịch bản tăng trưởng của tỉnh có những điều chỉnh thích ứng, linh hoạt. Nhiều chỉ thị, kế hoạch quan trọng đã được ban hành, trong đó bao gồm các lĩnh vực như bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hút đầu tư, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh các dự án hạ tầng quan trọng. Với tinh thần chỉ đạo "7 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ cách làm, rõ kinh phí) của tỉnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong lộ trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Theo báo cáo, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng 4 tháng đầu năm 2025 của Thái Nguyên đã đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và đầu tư. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,04%, cho thấy những dấu hiệu phục hồi từ các ngành công nghiệp mũi nhọn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,9%, là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng. Đầu tư trong nước ngoài ngân sách tăng 91,2% cũng đã ghi nhận hoạt động kinh tế tư nhân nhiều khởi sắc… Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ, cần được gia tăng bù đắp trong những tháng tới, nhất là giá trị xuất khẩu. Ước tính đến nay, giá trị xuất khẩu của tỉnh giảm khoảng 7,57%, điều này phản ánh tình hình khó khăn chung, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10,5% năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra. Cụ thể, tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN), đặc biệt là các dự án FDI. Sớm đưa các dự án thứ cấp vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất mới. Tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ các dự án quan trọng như: KCN Sông Công II giai đoạn 2, KCN Yên Bình 3 và các dự án hạ tầng kết nối vùng, bao gồm Dự án đường vành đai V và Dự án Trạm biến áp 220kV Phú Bình 2; tập trung phát triển các CCN, thu hút các nhà đầu tư vào CCN Sơn Cẩm I, CCN Hạnh Phúc - Xuân Phương và các CCN có lợi thế khác, góp phần tạo ra giá trị sản xuất mới cho tỉnh.
Giải pháp quan trọng được tỉnh tập trung triển khai thời điểm này chính là giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thúc đẩy tiến độ các dự án khu dân cư, khu đô thị, KCN và hạ tầng giao thông lớn. Không ngừng đẩy mạnh công tác thu ngân sách, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất và thu từ các dự án đầu tư lớn, để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án hạ tầng. Tập trung phát triển thương mại điện tử và sản phẩm OCOP, thúc đẩy kích cầu du lịch và dịch vụ để nâng cao thu nhập từ các ngành quan trọng này. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục quan tâm theo dõi và có ý kiến trong điều chỉnh các chính sách thuế, tài chính, tín dụng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu.
Tình hình thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên cho thấy nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng không thiếu những khó khăn cần giải quyết. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp chính quyền, nỗ lực của các doanh nghiệp và cộng đồng, Thái Nguyên hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong năm 2025.
Nguyễn San