Phối cảnh Dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế Flamingo Majestic Island Resort của Tập đoàn Flamingo đang triển khai tại hồ Núi Cốc.
Khu nghỉ dưỡng 6 sao đầu tiên ở miền Bắc…
Giữa tháng 3 vừa qua, tại khu vực hồ Núi Cốc - biểu tượng du lịch của tỉnh Thái Nguyên, Tập đoàn Flamingo đã chính thức khởi công Dự án Flamingo Majestic Island Resort với quy mô hơn 61ha. Dự án bao gồm 107 dinh thự nghỉ dưỡng hạng sang, các bungalow biệt lập, cùng hệ thống tiện ích cá nhân hóa theo tiêu chuẩn 6 sao quốc tế đầu tiên tại miền Bắc; công suất phục vụ từ 50.000-70.000 khách du lịch/năm.
Phối cảnh Dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế Flamingo Majestic Island Resort của Tập đoàn Flamingo đang triển khai tại hồ Núi Cốc.
Flamingo là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam, với loạt dự án thành công tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Phòng... Việc doanh nghiệp này lựa chọn Thái Nguyên, một vùng đất trung du chưa thực sự nổi bật về du lịch nghỉ dưỡng cho thấy tiềm năng lớn và sức hấp dẫn đang gia tăng của tỉnh trong mắt các nhà đầu tư chiến lược.
Dự án Flamingo Majestic Island Resort đang được Tập đoàn Flamingo đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng của Thái Nguyên, ông Trần Trọng Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Flamingo Holdings, cho rằng: Với tiềm năng vượt trội, sở hữu khí hậu mát mẻ quanh năm cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, khu vực hồ Núi Cốc nói riêng và những danh lam thắng cảnh tại Thái Nguyên nói chung là địa điểm lý tưởng để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp. Với chiến lược thu hút đầu tư bài bản, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những thiên đường nghỉ dưỡng không chỉ của miền Bắc mà còn mang tầm quốc tế.
Phối cảnh Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (Đại Từ) với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng.
Ngoài Tập đoàn Flamingo, thời gian qua, Thái Nguyên đã thu hút hàng loạt “ông lớn” đầu tư vào các dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, như: Tập đoàn MDA (Hàn Quốc) với Dự án sân golf Glory tại xã Thành Công (TP. Phổ Yên), tổng mức đầu tư trên 388 tỷ đồng; Công ty CP Golf Tân Thái, với Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (Đại Từ), tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc, với Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên (Đồng Hỷ), tổng mức đầu tư trên 784 tỷ đồng…
Hiện nay, Công ty CP Golf Tân Thái, chủ đầu tư Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái (Đại Từ) đang huy động nhân lực, máy móc, tập trung thi công để đưa Dự án vào khai thác trong tháng 8/2025.
Các dự án đang được triển khai không chỉ mang đến hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ mà còn mở ra nhiều không gian vui chơi, nghỉ dưỡng mới lạ, nâng tầm trải nghiệm cho du khách. Từ sân golf cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái đến tổ hợp khách sạn, nhà hàng ven hồ…, Thái Nguyên đang từng bước thay đổi diện mạo du lịch vốn có, chuyển từ “điểm dừng chân” thành điểm đến thực sự.
Hướng đến mục tiêu duy trì 10-15 triệu lượt du khách mỗi năm
Trong những năm qua, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, từng bước phát huy được các tiềm năng thế mạnh, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đón trên 3,4 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 3.100 tỷ đồng.
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hữu tình. Trong ảnh: Cảnh quan khu du lịch suối Cửa Tử, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ
Năm 2025, Thái Nguyên đang hướng đến mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt du khách. Lộ trình giai đoạn 2026-2030 phấn đấu duy trì từ 10-15 triệu lượt du khách đến với tỉnh mỗi năm, trong đó có khoảng từ 100-150 nghìn du khách ở phân khúc cao cấp.
Du khách trải nghiệm tham quan tại Khu du lịch suối Cửa Tử, xã Hoàng Nông (Đại Từ).
Để đạt được mục tiêu đó, Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kích cầu du lịch. Trong đó, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu, hình ảnh riêng cho du lịch Thái Nguyên được xem là giải pháp đột phá. Hiện nay, tỉnh đang tăng cường hoạt động kết nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc, các tỉnh trong nhóm liên kết để tạo sản phẩm du lịch vùng; kết nối tuyến điểm du lịch gắn với phát triển dịch vụ lữ hành.
Khu du lịch Dũng Tân (TP. Sông Công).
Ngành du lịch của tỉnh cũng đã phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vận hành trở lại tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên gắn với quảng bá văn hóa trà; phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam quảng bá văn hóa, du lịch, đất và người Thái Nguyên trên các chuyến bay… Đồng thời, tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip đến khảo sát, tìm hiểu thị trường; xây dựng, kết nối các tour, tuyến quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của Thái Nguyên đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Cảnh quan Khu du lịch hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công).
Tỉnh Thái Nguyên có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Có thể thấy rằng, với những bước đi chiến lược nhằm thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Thái Nguyên đang trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách mà còn với các nhà đầu tư chiến lược. Với đà tăng trưởng này, du lịch Thái Nguyên đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển bứt phá, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai gần.
Nguyên Ngọc