Thảm họa động đất ở Myanmar: Nỗ lực tìm người sống sót và tình bầu bạn quốc tế

Thảm họa động đất ở Myanmar: Nỗ lực tìm người sống sót và tình bầu bạn quốc tế
một ngày trướcBài gốc
Trận động đất kinh hoàng
Theo Cục Khảo sát địa chất (USGS), trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã được ghi nhận tại Mandalay, Myanmar lúc 6:21 theo giờ GMT. Tính đến sáng 1/4, thiệt hại đã được ghi nhận rất lớn, đến mức có thể xem là “thảm họa”. Theo chính quyền Myanmar, đã có ít nhất 2.000 người chết và khoảng 3.900 người bị thương, 270 người khác vẫn mất tích. Các nhà chức trách dự kiến con số này sẽ tăng lên. USGS ước tính số người chết cuối cùng có thể vượt quá 10.000 người.
Lực lượng hỗ trợ của Việt Nam lên đường sang Myanmar tham gia khắc phục hậu quả động đất.
Tại Bangkok (Thái Lan) cách tâm chấn hàng trăm km, ít nhất 18 người đã thiệt mạng. Trong số này, 11 người đã tử vong khi một tòa nhà đang xây dựng bị sập trong vài phút khiến hàng chục người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Các nhà chức trách Thái Lan cho biết một số trường hợp tử vong được báo cáo ở những nơi khác tại Bangkok, khoảng 80 người vẫn mất tích. Thống đốc Bangkok cho biết đã nhận được khoảng 9.500 báo cáo về thiệt hại của các tòa nhà tại Bangkok vào ngày 30/3.
Tại sao trận động đất này có sức tàn phá lớn như vậy?
Động đất xảy ra khi các khối đá lớn tạo nên lớp vỏ Trái đất, được gọi là các mảng kiến tạo, di chuyển ngược chiều nhau. Theo USGS, trận động đất Myanmar xảy ra do đứt gãy trượt ngang giữa các mảng Ấn Độ và Á-Âu - nghĩa là hai mảng kiến tạo này cọ xát ngang vào nhau. Bill McGuire, giáo sư danh dự về các mối nguy hiểm về địa vật lý và khí hậu tại University College London, cho biết: “Trận động đất xảy ra trên đứt gãy Sagaing, đánh dấu ranh giới mảng kiến tạo giữa mảng Ấn Độ ở phía Tây và mảng Á-Âu ở phía Đông. Mảng Ấn Độ đang di chuyển về phía Bắc dọc theo đứt gãy so với mảng Á-Âu”.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng Đoàn công tác Bộ Công an (ngoài cùng, bên phải) họp tác chiến tại hiện trường.
USGS cho biết, khu vực này đã trải qua một số trận động đất trượt ngang lớn tương tự trong quá khứ, với 6 trận xảy ra trong phạm vi khoảng 250 km tính từ trận động đất hiện tại kể từ năm 1900 có cường độ từ 7 độ richter trở lên.
“Đây là một trận động đất lớn theo bất kỳ tiêu chuẩn nào và tác động của nó trở nên tồi tệ hơn nhiều vì thực tế là nó rất nông - chỉ sâu khoảng 10 km. Nếu nó sâu 100 km, tác động sẽ nhỏ hơn nhiều, do đó độ sâu cũng như kích thước là rất quan trọng”, ông McGuire cho biết.
"Đã có một dư chấn lớn và có thể sẽ có thêm những dư chấn khác trong hiện giờ đến vài ngày tới", ông McGuire cho biết thêm. "Những dư chấn này có thể phá hủy các tòa nhà vốn đã yếu và khiến công việc cứu hộ trở nên khó khăn hơn".
Đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng Myanmar tìm kiếm nạn nhân.
Tiến sĩ Roger Musson, nghiên cứu viên danh dự tại Cục Khảo sát địa chất Anh, cho biết sự kiện tương tự gần đây nhất trong khu vực là vào năm 1956. “Điều này có nghĩa là các tòa nhà khó có thể được thiết kế để chống lại lực địa chấn, do đó dễ bị tổn thương hơn khi một trận động đất như thế này xảy ra, dẫn đến nhiều thiệt hại hơn và thương vong cao hơn”, ông cho biết.
Myanmar nằm trên vành đai động đất đang hoạt động, nhưng nhiều trận động đất thường xảy ra ở những khu vực thưa dân, không phải ở những thành phố như trận động đất vừa xảy ra. USGS và trung tâm khoa học địa chất GFZ của Đức cho biết trận động đất này nông, ở độ sâu 10 km. Động đất nông hơn có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Một nhà địa chất nói rằng năng lượng giải phóng ra tương đương với 334 quả bom nguyên tử, cảnh báo rằng dư chấn có thể kéo dài trong nhiều tháng. Hình ảnh vệ tinh ghi nhận một đường đứt như nhát dao xẻ vào vỏ trái đất tại khu vực tâm chấn.
Các nhà khoa học cho biết trận động đất xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing, chạy theo hướng Bắc-Nam qua Myanmar và đó là đứt gãy "trượt ngang", khi hai mảng kiến tạo dịch chuyển chủ yếu theo chiều ngang.
Brian Baptie, nhà địa chấn học thuộc Cục Khảo sát địa chất Anh, cho biết vết nứt đã dịch chuyển trái đất 5 mét trong khoảng 1 phút ở một số khu vực. Ông cho biết, vì hầu hết các tòa nhà trong khu vực được làm bằng "gỗ hoặc gạch xây không gia cố" nên chúng rất dễ bị hư hại do động đất.
Viện trợ nước ngoài được triển khai
Nhiều quốc gia đã triển khai nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ và cứu trợ sau khi các nhà lãnh đạo quân đội, thường không thích sự can thiệp của nước ngoài, đã đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ hiếm hoi.
Trung Quốc là nước đầu tiên triển khai cứu hộ đến thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon vào hôm 30/3, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, và Bắc Kinh cam kết viện trợ nhân đạo 13,8 triệu USD. Nhiều đội cứu hộ Trung Quốc đã đến, bao gồm một đội đã vượt biên bằng đường bộ từ tỉnh Vân Nam ở phía Tây Nam của nước này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ngay sau đó, Nga đã cũng đã triển khai nhóm chuyên gia của mình, bao gồm các đội chó nghiệp vụ, bác sĩ gây mê và nhà tâm lý học.
Anh, Ireland và Australia sẽ quyên góp các gói viện trợ với tổng trị giá hơn 20 triệu USD cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả trận động đất là "khủng khiếp" và cam kết rằng Mỹ cũng sẽ gửi viện trợ. Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Hong Kong cũng tuyên bố sẽ gửi viện trợ. Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết: Quân đội Ấn Độ sẽ giúp thành lập một bệnh viện dã chiến tại Mandalay và 2 tàu hải quân chở hàng tiếp tế đang trên đường đến thủ đô thương mại Yangon của Myanmar.
Một đội gồm 78 thành viên từ Singapore, cùng chó cứu hộ, đã hoạt động tại Mandalay vào Chủ nhật, theo truyền thông nhà nước Myanmar.
Liên hợp quốc đã tuyên bố ngay lập tức cam kết viện trợ 5 triệu USD cho Myanmar và cho biết đang huy động các nhóm và hỗ trợ cho nỗ lực cứu trợ.
Tuy nhiên, các nhóm cứu hộ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn sau khi cơ sở hạ tầng bị suy yếu do nội chiến bị hư hại thêm do trận động đất. Các nỗ lực cũng có thể trở nên phức tạp vì vùng chịu ảnh hưởng của trận động đất bao gồm các khu vực đã chứng kiến giao tranh dữ dội kể từ khi chính quyền quân sự nắm quyền vào năm 2021 và nơi các chính quyền đối địch - chính quyền quân sự và các nhóm phiến quân - hoạt động riêng biệt.
Một tòa nhà đang xây dựng tại Thái Lan đổ sập trong động đất.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn cung cấp y tế - bao gồm bộ dụng cụ chấn thương, túi máu, thuốc gây mê và các thiết bị hỗ trợ - đã làm phức tạp các nỗ lực cứu trợ. Theo OCHA, các nhân viên y tế trên thực địa đang phải vật lộn để tiếp nhận dòng người bị thương.
Thảm họa chồng thảm họa
Công tác cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn không chỉ vì mức độ tàn phá lớn, khối lượng công việc nhiều, mà còn chịu áp lực bởi cuộc nội chiến giữa chính quyền Myanmar với lực lượng kháng chiến vũ trang đối lập. Cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2021 do một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu và tàn phá kinh tế, trong đó lực lượng quân đội chính quyền giao tranh với các nhóm phiến quân trên khắp cả nước. Cuộc đảo chính và xung đột sau đó đã tàn phá cơ sở hạ tầng y tế khiến nước này không đủ khả năng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên lớn.
Nhiều vùng của đất nước nằm ngoài tầm kiểm soát của quân đội chính quyền và do một nhóm phiến quân và dân quân sắc tộc điều hành, khiến việc biên soạn thông tin đáng tin cậy trở nên cực kỳ khó khăn. "Gần 80% đất nước nằm ngoài tầm kiểm soát (của quân đội), và sau đó chúng bị kiểm soát bởi các nhóm vũ trang sắc tộc khác nhau", một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại đây cho biết. "Chúng do PDF (Lực lượng Phòng vệ nhân dân) thuộc NUG (Chính phủ Thống nhất quốc gia) kiểm soát, vì vậy bạn không thể có được bức tranh toàn cảnh về những gì đang diễn ra".
Cảnh đổ nát diễn ra trên khắp đất nước Myanmar và công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do mức độ tàn phá khủng khiếp.
Ngay sau khi thảm họa động đất xảy ra hôm 28/3, chính quyền quân sự đã đưa ra lời kêu gọi hiếm hoi về viện trợ nước ngoài. Các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng việc phối hợp ứng phó sẽ rất phức tạp. Các tuyến đường chính đã bị hư hại, điện thoại và internet bị cắt, điện bị mất và một số sân bay đóng cửa. Các báo cáo về thiệt hại vẫn đang xuất hiện và có thể mất nhiều tuần nữa mới biết được toàn bộ mức độ tàn phá, nhưng theo Giám đốc Ủy ban Cứu hộ quốc tế tại Myanmar, có khả năng sẽ "nghiêm trọng".
Lượng thông tin có hạn một phần là do đường truyền thông tin và giao thông bị gián đoạn, Mohamed Riyas cho biết trong một tuyên bố. Người đứng đầu cứu hộ nói thêm rằng "thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng và nhà cửa, mất mát về người và thương tích mà các cộng đồng bị ảnh hưởng phải chịu không nên bị đánh giá thấp".
Trương Hùng (Tổng hợp)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/phong-su/tham-hoa-dong-dat-o-myanmar-no-luc-tim-nguoi-song-sot-va-tinh-bau-ban-quoc-te-i763823/