Công trình Văn phòng Kiểm toán Nhà nước tại quận Chatuchak (thủ đô Bangkok, Thái Lan) bất ngờ đổ sập trong trận động đất tuần trước, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác có thể vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Vụ việc không chỉ gây chấn động dư luận Thái Lan mà còn làm dấy lên nghi vấn về chất lượng vật liệu xây dựng và những góc khuất trong ngành xây dựng nước này, đặc biệt liên quan đến các nhà thầu Trung Quốc, theo SCMP.
Tòa nhà 30 tần này là công trình duy nhất ở Bangkok sụp đổ trong trận động đất có tâm chấn tại Myanmar, dù hàng nghìn tòa nhà khác chỉ bị rung lắc hoặc nứt nhẹ.
Dự án có giá 60 triệu USD, là kết quả hợp tác giữa công ty Italian - Thai Development của Thái Lan và Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 10 Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2020, công trình từng bị trì hoãn và vướng nhiều cáo buộc bất thường.
Đội cứu hộ đang tìm kiếm nạn nhân mất tích trong đống đổ nát từ công trình 30 tầng đổ sập ở Chutachak, Bangkok. Ảnh: Reuters.
Nghi vấn tham nhũng
Cơn giận dữ của người dân Thái Lan bùng nổ khi các kiểm tra sơ bộ cho thấy một số thanh thép gia cố trong tòa nhà không đạt tiêu chuẩn, theo ông Nontichai Likhitaporn, Giám đốc kiểm định của Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan.
Dù chưa có kết luận chính thức, nghi vấn về vật liệu kém chất lượng đã khiến công chúng đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, vụ việc càng thêm căng thẳng khi nhân viên Trung Quốc bị bắt quả tang lấy trộm tài liệu khỏi công trường - hành vi vi phạm quy định quản lý thảm họa.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok đã nhanh chóng lên tiếng, kêu gọi các công ty liên quan hợp tác toàn diện với chính quyền Thái Lan.
“Chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ luật pháp nước sở tại”, thông báo trên Facebook của đại sứ quán nhấn mạnh.
Trên mạng xã hội, người Thái gọi đây là “tòa nhà đậu phụ” - ám chỉ những công trình yếu ớt, kém chất lượng. Hình ảnh và bài viết lan truyền chóng mặt.
Thực tế, một tổ chức chống tham nhũng Thái Lan từng cảnh báo về bất thường trong dự án từ đầu năm, và chính phủ đã dọa hủy hợp đồng vào tháng 1 vì chậm tiến độ, Reuters cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan cho biết cơ quan chức năng đang điều tra cấu trúc sở hữu đáng ngờ của liên doanh Thái - Trung. Đáng chú ý, một cổ đông Thái Lan nắm 10% cổ phần công ty - trị giá gần 3 triệu USD - nhưng lại không sở hữu tài sản cá nhân nào đáng kể.
“Có điều gì đó không ổn với tòa nhà này,” nghị sĩ đối lập Surachet Pravinvongvuth nói với tờ This Week in Asia, kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện. “Chúng ta phải kiểm tra xem vấn đề nằm ở thiết kế, thi công hay quản lý. Điều này không đáng lẽ xảy ra - hầu hết tòa nhà của chúng ta đều đạt tiêu chuẩn cao”.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đến công trình 30 tầng bị đổ sập do dư chấn từ trận động đất từ Myanmar ở Chutachak, Bangkok. Ảnh: Reuters.
Thảm họa đã trở thành tâm điểm cho sự phẫn nộ về tình trạng tham nhũng và cắt xén trong ngành xây dựng Thái Lan.
Gần đây, Bộ trưởng Công nghiệp Akanat Promphan đã mạnh tay xử lý các hoạt động công nghiệp bất hợp pháp, đóng cửa nhiều nhà máy do người Trung Quốc sở hữu vì sản xuất thép kém chất lượng.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã ra lệnh điều tra vụ việc, với kết quả sơ bộ dự kiến được công bố trong tuần này. “Tôi có nhiều câu hỏi. Thiết kế này được phê duyệt thế nào? Và chúng ta phải tìm ra sai sót nằm ở đâu", bà tuyên bố.
Tranh cãi về “người đại diện” Thái Lan
Vụ việc cũng làm bùng nổ tranh luận về việc sử dụng “người đại diện” Thái Lan - những đối tác địa phương đóng vai trò bình phong cho các công ty nước ngoài để lách luật.
Các nhà phê bình cho rằng mô hình này tạo điều kiện cho tham nhũng và làm suy giảm tiêu chuẩn an toàn. Nhiều báo cáo còn chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc đã xả thải công nghiệp trái phép và bán vật liệu xây dựng kém chất lượng.
Trang Facebook CSI LA, một nhóm tố giác nổi tiếng ở Thái Lan, đã công khai danh tính các quan chức Thái Lan và đối tác kinh doanh Trung Quốc được cho là liên quan đến tòa tháp bị sập. Trang này cũng điểm mặt các dự án khác sử dụng tiền thuế của dân nhưng do cùng mạng lưới nhà thầu thực hiện.
Nghị sĩ Surachet, đồng thời là một kỹ sư xây dựng, nhấn mạnh với This Week in Asia rằng vụ sụp đổ này phải là hồi chuông cảnh tỉnh.
“Mọi người không được phép quên chuyện này dễ dàng. Chúng ta cần biết nguyên nhân thực sự. Thế hệ kỹ sư tương lai nên coi đây là bài học điển hình”, ông nói. “Điều này không bao giờ được phép tái diễn”.
Tòa nhà ở Thái Lan đổ sập vì dư chấn trận động đất Một tòa nhà ở khu vực Bang Sue (Bangkok, Thái Lan) đổ sập khiến người dân và công nhân hoảng loạn bỏ chạy. Hiện chưa rõ con số thương vong.