Giới trẻ ngày nay đang tận dụng sức mạnh của không gian mạng để lan tỏa những giá trị nhân văn, kết nối yêu thương và tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội.
Yêu thương từ những cú click chuột
Trước đây, khi nhắc đến trách nhiệm xã hội, người ta thường nghĩ ngay đến những hành động thiết thực như tham gia các hoạt động tình nguyện, quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội, khái niệm "sống có trách nhiệm" đã được mở rộng và mang nhiều sắc thái mới. Facebook, Instagram, Tiktok... không chỉ là nơi kết nối bạn bè, chia sẻ cảm xúc mà còn trở thành công cụ hữu hiệu để lan tỏa thông điệp tích cực, kêu gọi hành động và tạo nên những tác động xã hội to lớn.
Điển hình như trang cộng đồng Go Volunteer, được thành lập trong giai đoạn dịch COVID-19 đã thu hút hơn 70.000 thành viên tham gia các hoạt động phòng, chống dịch ý nghĩa. Hay chiến dịch Xuân Tình Nguyện 2025 của Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM với đội hình hỗ trợ người dân trải nghiệm tuyến Metro số 1 trên Facebook đã nhanh chóng quy tụ 1.600 tình nguyện viên tham gia. Chỉ với một dòng trạng thái kêu gọi ủng hộ 900 gấu bông cho trẻ em vùng cao Hà Giang trên nhóm Facebook Thương Project, hàng loạt tin nhắn hỏi về cách thức gửi quà, lời kêu gọi chia sẻ đã cho thấy sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội trong việc khơi dậy tinh thần tương thân tương ái của giới trẻ.
Gần 50 tình nguyện viên dầm mình dưới dòng kênh đen ngòm để vớt rác. Ảnh: NGỌC QUÝ
Không chỉ dừng lại ở những hoạt động quy mô lớn, mạng xã hội còn là nơi ươm mầm cho những hành động tử tế thầm lặng. Chương trình tình nguyện "Gia sư Áo Xanh" của Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP HCM, ra đời từ năm 2012, đã tạo điều kiện cho sinh viên linh hoạt sắp xếp thời gian tham gia dạy học tình nguyện cho trẻ em khó khăn. Sự phát triển của công nghệ với các nền tảng học tập trực tuyến càng giúp chương trình phát huy hiệu quả, kết nối tình nguyện viên và học sinh một cách thuận tiện hơn.
Mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhân tố tích cực
Chỉ cần có sự sáng tạo và góc nhìn phù hợp, các tổ chức, cá nhân có thể tận dụng không gian mạng để tạo ra nhiều hoạt động tình nguyện đa dạng, từ chia sẻ kiến thức, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ giao thông đến tư vấn tâm lý... Mỗi người trẻ đều có thể tìm thấy những hoạt động phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Nhiều bạn trẻ đã sử dụng tài năng của mình để phục chế ảnh miễn phí cho gia đình liệt sĩ, tạo video hướng dẫn sử dụng công nghệ, hay thực hiện những dự án cộng đồng ý nghĩa như "Nuôi em vùng cao". Dù lớn hay nhỏ, mỗi hành động đều góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hoạt động cộng đồng cũng đặt ra không ít thách thức. Sự lan truyền của thông tin xấu, độc, những chiến dịch từ thiện bị lợi dụng để trục lợi có thể gây ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng thực hành xã hội, cách thức xác thực thông tin là vô cùng quan trọng. Các công cụ kiểm soát minh bạch cũng cần được áp dụng để củng cố niềm tin của cộng đồng vào các hoạt động xã hội.
Sống có trách nhiệm với cộng đồng trong thời đại số không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào của mỗi người trẻ. Mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhân tố tích cực góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Hãy sử dụng công nghệ và mạng xã hội một cách thông minh, "tuân thủ - an toàn - lành mạnh - trách nhiệm" để lan tỏa những giá trị nhân văn, khẳng định tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thời đại mới.
Khi giới trẻ hành động trên tinh thần "tuân thủ - an toàn - lành mạnh - trách nhiệm", công nghệ sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, khuếch đại những giá trị tốt đẹp, kiến tạo nên những thay đổi bền vững và mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-1
ThS DƯƠNG TRỌNG PHÚC, Phó Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng