Thẩm tra viên Phạm Thị Mỹ Hằng: 'Phía sau mỗi phán quyết là nỗi đau day dứt'

Thẩm tra viên Phạm Thị Mỹ Hằng: 'Phía sau mỗi phán quyết là nỗi đau day dứt'
6 giờ trướcBài gốc
Vào cuối năm 2008, lúc đang công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, tôi được phân công tổ chức thi hành một Bản án ly hôn giữa bà Trần Thị Mến và ông Nguyễn Hữu Toàn, một cặp vợ chồng trẻ, chung sống chưa đầy 5 năm, có một đứa con chưa đến sáu tuổi.
Theo Quyết định của Bản án đã tuyên: Con được giao cho người mẹ nuôi dưỡng, buộc ông Nguyễn Hữu Toàn phải cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con đủ 18 tuổi, không có tranh chấp về tài sản, bà Mến làm đơn yêu cầu thi hành phần tiền cấp dưỡng nuôi con.
Vụ việc tưởng như đơn giản và sẽ được xử lý nhanh chóng. Nhưng khi tôi trực tiếp làm việc với hai bên đương sự, tôi nhận ra phía sau Bản án là những điều mà con chữ không thể ghi hết được: Ánh mắt của hai bên đương sự còn đượm buồn, sự im lặng thay cho oán giận, và một khoảng lặng chung giữa hai con người từng có thời gian gắn bó, không có những lời nặng nề, chỉ là một sự lạc lõng đầy day dứt.
Tôi đã mời hai bên đương sự lên tự thỏa thuận tại trụ sở cơ quan, không nhằm thay đổi Bản án, mà chỉ đơn giản để họ có thêm cơ hội để lắng nghe nhau, thêm một lần suy ngẫm. Trong buổi gặp hôm đó, tôi không viện dẫn điều luật, không nói về thủ tục cấp dưỡng, mà chỉ nhẹ nhàng chia sẻ về quyền lợi của đứa trẻ, về những tổn thương vô hình của một gia đình đổ vỡ, điều mà người lớn đôi khi chỉ nhận ra khi đã quá muộn.
Thẩm tra viên Phạm Thị Mỹ Hằng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang
Thật lòng mà nói, tôi không kỳ vọng điều gì lớn lao. Nhưng rồi, như một điều may mắn, cả hai người đã lặng im rất lâu, rồi cùng rơi nước mắt. Bà Trần Thị Mến xin rút đơn yêu cầu thi hành án, và quyết định cho nhau thêm một cơ hội vì con.
Đó là một vụ việc mà kết quả cuối cùng không nằm ở tỷ lệ thi hành án thành công, không ghi trong báo cáo thành tích, nhưng đối với tôi, đó là một lần được làm trọn nghĩa vụ của một Chấp hành viên thi hành án, không chỉ bảo vệ sự công bằng, mà còn giữ gìn phần nào nhân văn trong pháp luật.
Qua câu chuyện, tôi nghiệm ra rằng, người làm nghề Thi hành án không chỉ am hiểu pháp luật, mà còn phải biết lắng nghe, thấu cảm, biết nhìn thấy con người sau những điều khoản, Pháp luật là khuôn khổ, nhưng tình người mới là nhịp cầu để đưa pháp luật đến gần với công lý và sự tin yêu của nhân dân.
Tôi nghĩ rằng, mỗi cán bộ Thi hành án luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp, tự soi lại mình và không ngừng trăn trở, mình đã làm hết trách nhiệm chưa, chỉ khi còn băn khoăn vì từng mảnh đời, vì niềm tin vào pháp luật, ta mới xứng đáng với sứ mệnh thầm lặng và rất cao quý của ngành.
Phạm Thị Mỹ Hằng
Thẩm tra viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tham-tra-vien-pham-thi-my-hang-phia-sau-moi-phan-quyet-la-noi-dau-day-dut-post548849.html