Hai bị cáo: Mai Thị Hồng Hạnh và Lê Đức Thọ tại tòa.
Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (viết tắt: Cty Xuyên Việt Oil) bắt nguồn từ lá đơn tố giác tội phạm do 3 nhân viên Xuyên Việt Oil gửi đến Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an vào ngày 21-8-2023. Theo nội dung đơn tố giác, bà Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Cty Xuyên Việt Oil) đã thao túng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát số tiền rất lớn của Nhà nước. Tiến hành xác minh, điều tra theo đơn tố cáo, đến ngày 8-9-2023, Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an khởi tố vụ án: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Cty Xuyên Việt Oil. Cuộc điều tra sau đó dần hé lộ một mạng lưới sai phạm phức tạp mà bị cáo Hạnh đã dựng lên, hòng biến Xuyên Việt Oil thành "ông lớn" trong ngành xăng dầu.
Theo cáo trạng của vụ án, sau khi được cấp phép thương nhân đầu mối xăng dầu, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh và đồng phạm ngang nhiên lách luật, vi phạm quy định trích lập, quản lý Quỹ BOG. Cụ thể, theo quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng thương mại và phải thực hiện trích tiền trên cơ sở số lượng doanh thu bán hàng để nhập vào quỹ. Mục đích sử dụng duy nhất của quỹ này là bình ổn giá khi giá dầu trên thế giới có biến động, cần điều chỉnh giá trong nước nhằm ổn định thị trường, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác.
Tuy nhiên, khi được nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ BOG, bị cáo Hạnh đã không chỉ đạo nhân viên công ty thực hiện các quy định về trích lập Quỹ BOG theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương. Thay vào đó, bị cáo Hạnh chỉ đạo chuyển tiền từ Xuyên Việt Oil (trong đó có tiền Quỹ BOG thu từ người tiêu dùng) vào tài khoản cá nhân để sử dụng vào mục đích của mình, đồng thời báo cáo gian dối về số dư thực tế. Từ đó, gây thất thoát hơn 219 tỷ đồng Quỹ BOG. Không dừng lại ở đó, bà Hạnh còn sử dụng trái phép tiền thuế bảo vệ môi trường gây thiệt hại hơn 1.244 tỷ đồng.
Để qua mặt các cơ quan chức năng trong việc gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1.463 tỷ đồng (liên quan đến Quỹ bình ổn giá và tiền thuế bảo vệ môi trường), cũng như việc Cty Xuyên Việt Oil được ưu ái trong hoạt động làm ăn, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã hối lộ rất nhiều quan chức. Theo cáo trạng, từ năm 2016-2022, bị cáo Hạnh đã 22 lần đưa hối lộ với tổng số tiền 31,6 tỷ đồng cho hàng loạt cán bộ từ trung ương đến địa phương, như: Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre); Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương); Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương); Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước); Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM…
Cựu Bí thư tỉnh Bến Tre và nhiều cựu quan chức Bộ Công thương “nhúng chàm”
Theo cáo trạng, thời điểm năm 2018, khi ông Lê Đức Thọ đang là Chủ tịch HĐQT Vietinbank đã phê duyệt giới hạn tín dụng trên 3.000 tỷ đồng, kéo dài giới hạn tín dụng cho Cty Xuyên Việt Oil. Từ việc đó, bà Hạnh đã 2 lần đưa hối lộ cho ông Thọ với tổng số hơn 13,8 tỷ đồng. Ngoài ra, vào các dịp lễ tết, sinh nhật, bà Hạnh đều gửi quà tặng cho ông Thọ.
Đến đầu tháng 7-2021, ông Thọ được điều động giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre thì bà Hạnh thành lập Công ty CP Việt Oil, đăng ký kinh doanh tại tỉnh Bến Tre. Tiếp đó, bà Hạnh “nhờ” ông Thọ tác động để Vietinbank chi nhánh Bến Tre cho Công ty Xuyên Việt Oil vay 20 lần với tổng số hơn 892 tỷ đồng. Để “trả ơn”, đầu năm 2022, bà Hạnh tặng ông Thọ 1 bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng và 1 chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD. Đến ngày 28-3-2022, bà Hạnh đưa tiếp cho ông Lê Đức Thọ 200.000 USD và đến tháng 5-2022, bà Hạnh tiếp tục tặng ông Thọ chiếc Mercedes Benz S450 Luxury trị giá hơn 6,6 tỷ đồng.
Tại phiên luận tội và đề nghị mức án đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cty Xuyên Việt Oil vào sáng 25-11, đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền đưa, nhận hối lộ lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, những bị cáo phạm tội nhận hối lộ là những người có chức vụ lớn nên cần có mức án nghiêm khắc. Đối với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát tài sản rất lớn, số tiền hối lộ rất lớn.
Xét vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX tuyên phạt: Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 20 năm tù về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" và 10 - 12 năm tù về tội: "Đưa hối lộ"; tổng hình phạt chung là 30 năm tù. Đối với bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre), đại diện VKSND đề nghị từ 15 năm đến 15 năm 6 tháng tù về tội: "Nhận hối lộ" và 13 năm đến 13 năm 6 tháng tù về tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; tổng hình phạt chung từ 28-29 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Cty Xuyên Việt Oil) bị đề nghị từ 6 - 7 năm tù về tội:"Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Đối với nhóm bị cáo là cựu cán bộ Bộ Công Thương và Cục Thuế TPHCM bị truy tố, xét xử về tội: “Nhận hối lộ”, đại diện VKSND đề nghị từ 2 đến 8 năm tù giam. Đối với nhóm bị cáo bị truy tố, xét xử về tội: “Đưa hối lộ”, đại diện VKSND đề nghị từ 18 tháng tù treo đến 5 năm tù giam.
T.H