Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và tỷ phú Elon Musk tại Nhà Trắng ngày 30/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo Đài phát thanh Quốc tế DW (Đức) ngày 2/7, người giàu nhất thế giới Elon Musk đang ấp ủ một dự án mới đầy tham vọng: thành lập đảng chính trị riêng ở Mỹ. Giữa lúc mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump ngày càng căng thẳng, tỷ phú công nghệ này đã tuyên bố quyết liệt về ý định tạo ra một "giải pháp thay thế" cho hệ thống chính trị hai đảng truyền thống của Mỹ.
Cuộc xung đột bắt nguồn từ việc tỷ phú Musk phản đối mạnh mẽ cái gọi là "Dự luật to đẹp" của Tổng thống Trump - dự luật thuế và chi tiêu mà ông Musk cho rằng vi phạm nguyên tắc hiệu quả trong quản lý nhà nước. Không chỉ dừng lại ở lời chỉ trích, Musk còn cảnh báo sẽ ra tranh cử chống lại các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật trong cuộc bầu cử sơ bộ năm tới.
Đặc biệt, ông đã đưa ra tuyên bố gây chấn động trên mạng xã hội X: "Nếu dự luật chi tiêu điên rồ này được thông qua, 'Đảng nước Mỹ' sẽ được thành lập ngay ngày hôm sau. Đất nước chúng ta cần một giải pháp thay thế cho đảng Dân chủ - Cộng hòa để người dân thực sự có tiếng nói".
Thách thức khổng lồ từ lịch sử
Tuy nhiên, lịch sử chính trị Mỹ cho thấy việc thành lập một đảng thứ ba thành công là nhiệm vụ gần như bất khả thi. Trong hơn một thế kỷ, hệ thống hai đảng Dân chủ - Cộng hòa đã thống trị ở mọi cấp chính quyền, mặc dù có hàng chục đảng nhỏ hoạt động trên khắp nước Mỹ.
Đảng Tự do, được thành lập năm 1971 và hiện là đảng lớn thứ ba ở Mỹ, đã đạt thành tích tốt nhất trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 với ứng cử viên Gary Johnson giành được 3,27% số phiếu toàn quốc. Con số này vẫn còn quá xa so với hàng chục triệu phiếu bầu cần thiết để bước vào Nhà Trắng hay các chức vụ quan trọng khác.
Tương tự, Đảng Xanh - một đảng lâu đời khác - cũng không có bất kỳ ghế nào trong chính phủ dù đã tham gia nhiều cuộc đua cấp tiểu bang và liên bang.
Theo Bernard Tamas, nhà khoa học chính trị tại Đại học Valdosta State, Mỹ, người đã viết nhiều về chủ đề này, có nhiều yếu tố khác cản trở sự thành công của đảng thứ ba.
Chuyên gia Tamas cho biết điều cơ bản là một đảng thứ ba phải khai thác được sự giao động của người dân - một lượng lớn người dân không hài lòng với các lựa chọn chính trị hiện tại - và xây dựng một phong trào quần chúng mạnh mẽ.
"Một trong những vấn đề lớn nhất với các đảng phái mới nổi là họ không thực sự khai thác được sự bất ổn đó", nhà khoa học chính trị Tamas nói. Thay vào đó, các đảng phái mới thành lập "có xu hướng mơ hồ hơn và [không] thực sự tập trung vào sự thôi thúc mạnh mẽ đó để thay đổi".
Nếu việc tiếp cận nguồn lực cơ sở là điều cần thiết thì tiền cũng vậy. Các đảng chi hàng tỷ USD để giúp ứng cử viên của mình đắc cử. Theo tổ chức giám sát quyên góp OpenSecrets, gần 16 tỷ USD đã được chi cho các cuộc đua vào quốc hội và tổng thống năm 2024.
Bản thân ông Musk là nhà tài trợ lớn nhất trong chu kỳ bầu cử 2023-24. Ông đã chi hơn 291 triệu USD cho đảng Cộng hòa ở mọi cấp độ.
Các quỹ vận động tranh cử khổng lồ giúp các đảng phái "vận động bỏ phiếu" - chuẩn bị các tài liệu quảng cáo và vận động để giới thiệu ứng cử viên đến công chúng và giành được phiếu bầu của họ.
Điều này dù không đảm bảo chiến thắng - Đảng Dân chủ đã chi nhiều hơn Đảng Cộng hòa vào năm 2024 - nhưng chắc chắn sẽ có ích.
Chuyên gai Tamas lưu ý: "Bạn cần tiền cho những thứ như quyền bỏ phiếu và một số thứ khác, nhưng không có đảng thứ ba nào có đủ tiền để cạnh tranh với Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ theo cách của riêng họ".
Liệu một đảng thứ ba thực sự có thể thay thế Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa không? Theo quan điểm của chuyên gia Tamas, điều đó là không thể, nhấn mạnh rằng, thay vì giành được ghế và xây dựng thành công lâu dài, họ lại "tự dẫm vào chân mình". "Các đảng thứ ba thành công nhất ở Mỹ tồn tại được khoảng một thập kỷ. Khi họ trở thành mối đe dọa quá lớn, các đảng lớn sẽ bắt đầu nhắm vào lời lẽ hùng biện và hệ tư tưởng của họ", chuyên gia Tamas nói.
Thái độ của công chúng
Mặc dù tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Trump đang ở mức tiêu cực và các cuộc thăm dò YouGov cho thấy gần 3 trong 5 người Mỹ có quan điểm không thuận lợi về Đảng Dân chủ, điều này không đảm bảo thành công cho một đảng mới.
Một nghiên cứu tháng 5/2024 cho thấy "những người theo đảng bất mãn" - những người Cộng hòa và Dân chủ không hài lòng với chính đảng của mình - ít có khả năng bỏ phiếu cho một đảng thứ ba trung dung.
Với tất cả những thách thức này, tham vọng thành lập đảng mới của tỷ phú Elon Musk, dù được hậu thuẫn bởi tài chính khổng lồ và ảnh hưởng truyền thông, vẫn phải đối mặt với những rào cản cấu trúc sâu sắc của hệ thống chính trị Mỹ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc