'Thần dược' chứa corticoid: Hồi phục ảo, hậu quả thật

'Thần dược' chứa corticoid: Hồi phục ảo, hậu quả thật
5 giờ trướcBài gốc
Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa rà soát, giám sát đối với 352 cơ sở kinh doanh dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh, tháng 5/2025. Ảnh: BCT.
Nguy cơ suy tuyến thượng thận
Sau vài tuần dùng một loại “thuốc bổ xương khớp” được người quen giới thiệu là “gia truyền, không cần đơn, hiệu quả ngay”, ông T.V.M. (77 tuổi, ở Thanh Hóa) thấy ăn ngon, ngủ sâu, các khớp đỡ đau rõ rệt. Nhưng hiệu quả ngắn ngủi ấy nhanh chóng đổi thành thảm họa khi ông nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, suy kiệt, tụt huyết áp, phải thở máy xâm nhập. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ông được chẩn đoán suy tuyến thượng thận cấp, do lạm dụng thuốc chứa corticoid kéo dài.
Trường hợp của ông M. không phải cá biệt. Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết, thời gian qua, bệnh viện liên tiếp điều trị các bệnh nhi mắc hội chứng Cushing do dùng “vitamin tăng cân” mua qua mạng, được quảng cáo là giúp trẻ ăn khỏe, lớn nhanh. Trong đó có trường hợp cả hai anh em ruột, 5 và 7 tuổi, đều có biểu hiện mặt tròn, béo bụng, rậm lông, sau thời gian sử dụng sản phẩm không nhãn mác. Xét nghiệm cho thấy tuyến thượng thận bị ức chế hoàn toàn do hấp thụ corticoid ngoại sinh kéo dài.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, tuần nào cũng có khoảng 10 bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám. Đa phần đều có nguyên nhân là do lạm dụng thuốc chứa corticoid kéo dài.
Chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhập viện do lạm dụng corticoid. Ảnh: BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Thói quen sử dụng thuốc tùy tiện
Corticoid, hay glucocorticoid, là nhóm thuốc chống viêm mạnh, thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý như hen suyễn, viêm khớp, lupus ban đỏ, suy thượng thận, dị ứng nặng... Khi được sử dụng đúng liều, đúng thời điểm, đây là loại thuốc có thể cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng tùy tiện, không theo chỉ định bác sĩ, corticoid sẽ trở thành một chất phá hủy nội tiết cực kỳ nguy hiểm.
ThS.BS Đỗ Gia Nam - Phó Trưởng khoa Nội tiết (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cảnh báo, nguyên nhân của nhiều ca bệnh là do lạm dụng corticoid không rõ nguồn gốc, gây ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận. Khi đó, cơ thể mất khả năng sản xuất hormone nội sinh, và người bệnh phải phụ thuộc vào thuốc suốt đời.
BS Hà Việt Huy (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, ông từng điều trị nhiều trường hợp bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng, nhiễm khuẩn huyết, trong đó có nguyên nhân đến từ việc dùng thuốc có chứa corticoid không kiểm soát.
“Corticoid nếu dùng sai, kéo dài, sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch. Cơ thể khi đó rất dễ mắc các loại nhiễm trùng cơ hội, đôi khi dẫn đến tử vong”- BS Huy nhấn mạnh.
Các chuyên gia y tế nêu ra thực trạng, corticoid không chỉ tồn tại trong thuốc uống mà còn xuất hiện trong nhiều sản phẩm dạng bôi ngoài da như kem làm trắng cấp tốc, trị mụn, thuốc xịt mũi và nhỏ mắt. Nếu dùng dài ngày, người dùng có thể gặp tình trạng da mỏng, giãn mạch, nổi mụn, nhiễm trùng tái phát, đặc biệt nguy hiểm khi ngừng đột ngột.
Thực tế, phần lớn người bệnh không hề biết mình đã sử dụng corticoid, bởi các sản phẩm này thường không công bố thành phần hoặc được quảng cáo dưới mác “thuốc đông y”, “gia truyền”, “không hóa chất”, “thuốc bổ”.
Hệ lụy mà corticoid gây ra là đa hệ thống: teo cơ, rạn da, loãng xương, tiểu đường, tăng huyết áp, trầm cảm, suy tuyến thượng thận, nhiễm trùng kéo dài. Đáng nói, nhiều hậu quả là vĩnh viễn, không thể phục hồi hoàn toàn, và bệnh nhân phải dùng thuốc thay thế suốt phần đời còn lại.
Không phải ngẫu nhiên mà corticoid được liệt vào nhóm thuốc kê đơn. Trong tay bác sĩ, đây là phương tiện điều trị mạnh mẽ. Nhưng nếu để lan tràn ngoài hệ thống kiểm soát y tế, nhất là khi bị lạm dụng trong các sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ trở thành một mối nguy âm thầm nhưng dai dẳng, phá hủy sức khỏe người dùng từng ngày, từng tháng mà không để lại dấu hiệu rõ rệt cho đến khi quá muộn.
Ai kiểm soát “thần dược”?
Dưới vỏ bọc “thuốc gia truyền”, “vitamin bổ trẻ em”, “thuốc trị đau khớp” hay “kem trắng da cấp tốc”, rất nhiều sản phẩm chứa corticoid vẫn đang trôi nổi trên thị trường, được tiêu thụ dễ dàng qua các kênh trực tuyến, thậm chí cả hiệu thuốc nhỏ lẻ. Đáng lo ngại hơn, phần lớn các sản phẩm này không hề công bố thành phần hoặc ghi nhãn mập mờ, khiến người dùng không có bất kỳ cơ sở nào để nhận biết mình đang sử dụng một chế phẩm có thể gây ức chế nội tiết và miễn dịch.
Báo cáo từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho thấy, chỉ riêng năm 2024, đơn vị này đã phát hiện 40 mẫu thuốc vi phạm chất lượng, tăng gần 8 lần so với năm trước. Trong đó, nhiều mẫu được quảng cáo là đông dược, thực phẩm chức năng nhưng chứa dexamethasone – một corticoid mạnh hoàn toàn không công bố trên nhãn. Dù tỷ lệ phát hiện trên tổng mẫu kiểm tra còn nhỏ, nhưng theo giới chuyên môn, con số thực tế ngoài thị trường có thể cao hơn nhiều, bởi không thể kiểm nghiệm được hết các sản phẩm lưu hành không chính thức.
Ở lĩnh vực mỹ phẩm, các loại “kem trộn” làm trắng da, trị nám vẫn đang được bán rộng rãi qua mạng xã hội, hội nhóm kín hoặc các gian hàng điện tử. Theo BS Vũ Thị Thùy Trang (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh), đây là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng da mỏng, giãn mao mạch, nổi mụn, nhiễm trùng tái đi tái lại sau khi dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay chính là khoảng trống quản lý đối với sản phẩm không phải thuốc nhưng lại có chứa dược chất. Corticoid có thể bị trộn vào viên nang dạng “vitamin tăng cân”, trà thảo dược, thuốc nam dạng bột… và tiếp cận người tiêu dùng thông qua những lời quảng cáo mang tính truyền miệng, không qua kiểm duyệt nội dung. Trong khi đó, hoạt động hậu kiểm lại chủ yếu theo cơ chế chọn mẫu hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ – khó bao phủ toàn diện thị trường.
ThS.BS Phạm Thị Lưu - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung bình một ngày có thể có đến 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng lạm dụng corticoid.
“Rất nhiều bệnh nhân tìm đến các loại thuốc đông y, thuốc nam vì nghĩ “lành hơn” thuốc tây mặc dù không biết nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như đau khớp, gút, viêm mũi xoang, dị ứng... Thế nhưng, nhóm thuốc này rất khó xác định được thành phần cũng như liều lượng corticoid trong đó, chỉ đến khi các tác dụng phụ của việc lạm dụng corticoid nặng nề mới đến gặp các bác sĩ và phát hiện ra tác hại của nó” - BS Lưu nói.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai): Tình trạng lạm dụng corticoid khá phổ biến
Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận không còn khả năng sản xuất đủ cortisol – một hormone nội sinh rất quan trọng để duy trì hoạt động sống của cơ thể. Cortisol giúp điều hòa chuyển hóa glucose, kiểm soát huyết áp, duy trì chức năng tim mạch và đặc biệt là kiểm soát tình trạng viêm, miễn dịch trong cơ thể.
Tuyến thượng thận nằm ở phía trên hai quả thận, nhỏ bằng đầu đũa, nhưng lại giữ vai trò sống còn. Khi hoạt động bình thường, tuyến yên trong não sẽ tiết ra hormone ACTH để kích thích tuyến thượng thận sản xuất cortisol. Tuy nhiên, nếu người bệnh sử dụng corticoid (glucocorticoid tổng hợp) – như prednisolone, dexamethasone… – trong thời gian dài hoặc liều cao, lượng hormone ngoại sinh trong máu tăng lên sẽ phát tín hiệu “giả” khiến tuyến yên ngừng tiết ACTH. Hệ quả là tuyến thượng thận sẽ bị “ngủ quên”, không còn hoạt động, dẫn đến teo và mất khả năng sản xuất cortisol.
Biểu hiện của suy thượng thận do thuốc có thể mơ hồ: mệt mỏi kéo dài, hạ huyết áp, chóng mặt, đau cơ khớp, sụt cân… Nặng hơn, người bệnh có thể rơi vào tình trạng suy thượng thận cấp – tụt huyết áp sâu, rối loạn điện giải, sốc – dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đáng nói, rất nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng nguy kịch mà không hề biết mình đã dùng corticoid, vì thuốc họ uống không hề ghi thành phần thường là các chế phẩm “gia truyền”, “thuốc đông y chữa bá bệnh”, “vitamin tăng cân”…
Ngoài suy thượng thận, corticoid còn có thể gây ra một loạt tác dụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, viêm loét dạ dày, đục thủy tinh thể, nhiễm trùng dai dẳng, rối loạn tâm thần… Đặc biệt nguy hiểm là các loại thuốc chứa dexamethasone, thường được trộn vào thuốc không rõ nguồn gốc để tạo hiệu quả nhanh nhưng nguy cơ suy tuyến thượng thận lại rất cao.
Về điều trị, việc hồi phục chức năng tuyến thượng thận giống như quá trình cai nghiện thuốc. Quá trình này có thể mất từ vài tháng đến vài năm, tùy mức độ tổn thương. Một số bệnh nhân có thể hồi phục sau 6–12 tháng, nhưng không ít người sẽ phải dùng thuốc thay thế suốt đời nếu tuyến đã teo hoàn toàn.
Ở Việt Nam, tình trạng lạm dụng corticoid khá phổ biến, do thuốc được bán dễ dàng, người bệnh nghe theo mách bảo, hoặc do quảng cáo thổi phồng. Và điều quan trọng nhất: Corticoid là thuốc kê đơn, không bao giờ được sử dụng tùy tiện. Hiệu quả giảm viêm tức thì có thể đánh đổi bằng hậu quả cả đời – thậm chí là sinh mạng nếu rơi vào biến chứng cấp.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/than-duoc-chua-corticoid-hoi-phuc-ao-hau-qua-that-10309593.html