Các chấp hành viên đi thực địa tại tỉnh Lào Cai (cũ) để thi hành án.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động thi hành án dân sự
Dự thảo Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung nguyên tắc tăng cường sử dụng, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động thi hành án dân sự. Theo đó, dự luật quy định việc thông báo thi hành án trực tiếp bằng phương tiện điện tử bên cạnh các phương thức khác nhằm giải quyết khó khăn về thông báo trong các vụ đại án, thanh toán tiền thi hành án qua chuyển khoản.
Trong trường hợp không xác định được địa chỉ của người được thông báo là người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đang ở nước ngoài thì việc thông báo được thực hiện trên phương tiện điện tử; trường hợp xác định được địa chỉ của người được thông báo ở nước ngoài thì việc thông báo được thực hiện linh hoạt theo một trong các phương thức (; qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện ở nước ngoài; trên phương tiện điện tử).
Dự thảo luật cũng rút ngắn thời hạn xác định, phân chia tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án từ 45 ngày xuống còn 30 ngày. Giảm thời hạn thông báo để đương sự đến nhận tiền từ 15 ngày xuống 10 ngày, nhận tài sản từ 3 tháng (90 ngày) xuống 30 ngày, giảm được tối đa 60 ngày đối với khoản chủ động ra quyết định thi hành án.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự
Hiện nay, hoạt động thi hành án dân sự của Thừa phát lại còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân chính là do chưa có cơ sở pháp lý về thi hành án phù hợp để Thừa phát lại thực hiện.
Một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo đó là đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thi hành án dân sự, đề xuất cho các Văn phòng Thừa phát lại được tham gia vào hoạt động.
Dự thảo Luật đã đổi tên Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại thành Văn phòng Thi hành án dân sự và Thừa hành viên.
Khi tổ chức thi hành án, Thừa hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn gần như bằng Chấp hành viên, trừ các nhiệm vụ liên quan đến quyền lực công như: xử phạt vi phạm hành chính; sử dụng công cụ hỗ trợ và trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến trước khi ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án. Như vậy, so với quy định hiện nay, Thừa hành viên (Thừa phát lại) tăng 4 nhiệm vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, cũng có ý kiến giữ nguyên tên Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại như hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, thành phố Hà Nội, chế định thừa phát lại không phải là mới ở Việt Nam, đã hoạt động 16 năm và đã giúp người dân tự bảo vệ mình trước pháp luật. Việc thay đổi tên gọi có thể gây nhầm lẫn với cơ quan của nhà nước và gây ra nhiều chi phí phát sinh.
Một trong những hoạt động chính hiện nay của các Văn phòng Thừa phát lại là lập Vi bằng. (Ảnh: Hữu Đăng)
Về việc được áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp huy động lực lượng của Văn phòng Thi hành án dân sự, Thừa hành viên, có ý kiến cho rằng Văn phòng thi hành án dân sự phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành án. Có ý kiến khác đề nghị trong trường hợp cưỡng chế cần huy động lực lượng thì Văn phòng thi hành án dân sự phải chấm dứt hợp đồng dịch vụ thi hành án.
Theo bà Phạm Huyền, Phó Trưởng Phòng Kiểm sát Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, cho rằng theo dự thảo thì quyền hạn của Thừa hành viên không khác gì Chấp hành viên (chỉ có một số nhiệm vụ là không được thực hiện). Tuy nhiên, theo bà Huyền, có những quy định “những điều Chấp hành viên không được làm” mà lại chưa có quy định tương tự với Thừa hành viên. Do đó, cần xây dựng lại để tránh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải chấp hành án, điều này còn giúp người dân dễ dàng giám sát.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội còn băn khoăn, Luật đang được xây dựng hướng đến “xã hội hóa” với Văn phòng thừa phát lại. Tuy nhiên, thực tiễn trong quá trình Thi hành án dân sự có những quyền chỉ cơ quan nhà nước mới được làm, trong khi Thừa phát lại vẫn là tổ chức tư nhân.
"Thừa hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án và cưỡng chế thi hành án, thu giữ tài sản. Vậy ai sẽ là người ra quyết định cho các thừa hành viên thực hiện nhiệm vụ này, nhất là khi tổ chức này chỉ là một doanh nghiệp tư nhân?”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn.
Vì vậy, bà Huyền đề nghị cần cân nhắc rất kỹ khi để Thừa hành viên được sử dụng quyền năng đó, tránh việc dễ dẫn đến lợi dụng việc cưỡng chế để xảy ra sai phạm. Đặc biệt, ngay cả với Chấp hành viên là cán bộ nhà nước vẫn vi phạm trong quá trình thu giữ, cưỡng chế tài sản, thậm chí dẫn đến khởi tố. Vị đại diện cũng đề nghị xây dựng chế tài rõ ràng về trách nhiệm của Trưởng văn phòng và Thừa hành viên để có căn cứ kiểm soát, xử lý sau này.
HƯƠNG NGUYÊN