Thận trọng với bệnh cúm A/H5N1

Thận trọng với bệnh cúm A/H5N1
8 giờ trướcBài gốc
Trên địa bàn Đồng Nai vừa ghi nhận 2 bệnh nhân bị nhiễm cúm A, trong đó có một trường hợp nghi cúm A/H5N1. Cả 2 bệnh nhân đều phải thở máy do bệnh nặng.
Bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nghi bị cúm A/H5N1. Ảnh: Bảo Lộc
ThS-BS PHẠM THỊ KIỀU TRANG, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh cúm tăng cao. Mầm bệnh cúm ở ngoài cộng đồng cũng khá nhiều. Do đó, người dân nên thận trọng bảo vệ sức khỏe, tránh để mắc bệnh cúm.
Bệnh diễn tiến nhanh
* Xin bác sĩ cho biết diễn tiến bệnh của 2 bệnh nhân bị cúm A phải thở máy?
- Bệnh nhân đầu tiên là nam, 13 tuổi (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa), nhập viện ngày 2-10 trong tình trạng sốt cao, ho khan từng cơn, khó thở, mệt mỏi, được gia đình đưa đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Kết quả chụp X-Quang ngực thẳng của bệnh nhân cho thấy 2 phổi của bệnh nhân gần như trắng xóa.
Đáng lưu ý, diễn tiến bệnh của bệnh nhân rất nhanh, mới khởi phát bệnh trước khi nhập viện một ngày. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, thận). Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân nhiễm virus cúm A, nghi ngờ cúm A/H5N1.
Trường hợp thứ 2 là bé gái 6 tuổi, ngụ xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc). Bệnh nhân ban đầu có các triệu chứng sốt, chảy mũi, gia đình đưa đi khám ở phòng khám tư nhân, uống thuốc có giảm sốt. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân ho nhiều, thở mệt, sốt lại, được nhập viện tại các bệnh viện tuyến dưới, sau đó mới chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển. Kết quả xét nghiệm cũng cho dương tính với virus cúm A, bội nhiễm vi khuẩn nhiều.
* Phác đồ điều trị của 2 bệnh nhân trên ra sao, thưa bác sĩ?
- Với bệnh nhân nam, do diễn tiến bệnh rất nhanh nên sau khi nhập viện, nghi ngờ cúm, bệnh nhân đã được cách ly và được điều trị tích cực: Đặt nội khí quản thở máy, hỗ trợ tổn thương cơ quan, điều trị bội nhiễm và làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Với bệnh nhân nữ cũng được đặt nội khí quản thở máy và điều trị bội nhiễm bằng thuốc kháng sinh.
* Đến nay tình hình sức khỏe của 2 bệnh nhân ra sao?
- Đến ngày 6-10, cả 2 bệnh nhân đã được cai máy thở sau 2 ngày thở máy. Bệnh nhân nam tiếp tục được điều trị bằng thuốc kháng sinh, đã áp dụng phác đồ xuống thang kháng sinh do bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị và theo dõi diễn tiến tổn thương chức năng các cơ quan. Còn bé gái 6 tuổi không cần phải hỗ trợ hô hấp, vẫn đang dùng thuốc kháng sinh cho đủ liều điều trị.
Các bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, nếu diễn biến bệnh tốt sẽ chuyển xuống các trại để điều trị tiếp cho đến khi xuất viện.
Người dân cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp, rèn luyện sức khỏe để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống bệnh tật.
Không chủ quan với bệnh cúm A
* Vừa qua, tại Khu du lịch Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa) ghi nhận 20 con hổ, 1 con báo lần lượt chết bất thường. Kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên 2 con hổ cho thấy dương tính với virus cúm A/H5N1. Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về bệnh này?
- Virus cúm có 3 loại hình là A, B, C. Virus cúm loại A truyền nhiễm cho người và nhiều loài động vật khác. Căn cứ vào nguồn vật chủ, virus cúm loại A có thể phân loại thành virus cúm gia cầm, virus cúm lợn hoặc virus cúm của các loài động vật khác. Ví dụ, virus cúm A/H5N1, virus cúm A/H9N2, virus cúm A/H1N1 và virus cúm A/H3N2.
H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm. Chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
* Triệu chứng của người nhiễm cúm A/H5N1 là gì?
- Khi bị nhiễm cúm A/H5N1, các triệu chứng thường gặp nhất là sốt cao trên 380C, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như: đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy.
Tình trạng nhiễm trùng virus có nguy cơ cao tiến triển nhanh thành các bệnh hô hấp nguy hiểm (như hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính, bị khó thở, thở gấp, viêm phổi) hay có những tác động thần kinh như co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường.
* Virus cúm A/H5N1 lây qua con đường nào và có lây từ người sang người không, thưa bác sĩ?
- Virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Cụ thể như: tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; chạm hoặc hít phải các chất tiết của gia cầm bị bệnh; giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh; ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín. Bệnh cúm A/H5N1 rất hiếm lây từ người sang người. Tuy nhiên, do bệnh có tỷ lệ tử vong cao nên người dân cần hết sức cảnh giác. Tình trạng cúm có thể tiến triển nhanh dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến kết mạc, tổn thương hệ hô hấp (bội nhiễm phế quản - phổi, viêm phổi, bội nhiễm tai mũi họng), hệ thần kinh (phù não, viêm màng não lympho); gây suy đa tạng, suy giảm hệ miễn dịch cùng các tình trạng sức khỏe khác như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim… Nếu có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế có uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.
* Vậy phòng ngừa bệnh cúm nói chung và cúm A/H5N1 bằng cách nào, thưa bác sĩ?
- Hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm; riêng bệnh cúm A/H5N1 chưa có vaccine phòng bệnh riêng. Người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh cúm mỗi năm để giảm tình trạng mắc bệnh và bệnh nặng phải nhập viện.
Để phòng cúm A/H5N1, chúng ta cần đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không tiêu thụ, ăn thịt gia cầm mắc bệnh, thực hiện ăn chín uống sôi.
Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh cúm, gia cầm nhiễm bệnh. Nếu cần tiếp xúc thì phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng trước, sau khi tiếp xúc.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Hạnh Dung (thực hiện)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/than-trong-voi-benh-cum-ah5n1-1630187/