Có mặt tại bản Củng (xã Ta Gia) vào trung tuần tháng 5, không khí nhận tiền DVMTR diễn ra trong niềm phấn khởi, vui tươi. Người dân háo hức xếp hàng, chờ đến lượt nhận tiền hỗ trợ. Anh Lò Văn Dũng chia sẻ: "Gia đình tôi được hơn 3 triệu đồng, đúng lúc cần mua thức ăn cho đàn vật nuôi. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, khoản tiền này rất thiết thực. Những năm gần đây, bản tôi đều nhận được tiền DVMTR. Ai cũng ý thức giữ rừng, vì càng bảo vệ tốt thì càng được hưởng lợi".
Người dân bản Củng (xã Ta Gia, huyện Than Uyên) nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Huyện Than Uyên hiện có 32.451,56ha rừng, phân bố tại 12 xã, thị trấn. Trong đó, rừng tập trung nhiều ở các xã như: Pha Mu, Ta Gia, Phúc Than, Hua Nà… Theo anh Vũ Như Ngọc - Trưởng Ban QLRPH huyện, từ cuối tháng 12/2024, Ban đã hoàn thiện hồ sơ, trình Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để chuyển kinh phí. Tổng số tiền chi trả DVMTR trong năm nay là gần 35,5 tỷ đồng, trong đó Ban QLRPH thực hiện chi trả gần 13 tỷ đồng, còn lại do các xã, thị trấn triển khai. Đến nay, công tác chi trả đã hoàn thành tại 10 địa phương, hai đơn vị còn lại là xã Mường Mít và thị trấn Than Uyên đang phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 5.
Thực hiện chi trả DVMTR không chỉ mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho người dân mà còn góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng. Hiện toàn huyện có 3.355 hộ dân ký cam kết bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Các hành vi vi phạm pháp luật như khai thác rừng trái phép, buôn bán lâm sản, phá rừng… có xu hướng giảm mạnh. Tại 131 bản, các tổ chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm, cán bộ xã tổ chức tuần tra, tuyên truyền và hướng dẫn người dân phát, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật.
Chị Lường Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết: "Nhờ thực hiện chi trả DVMTR, ý thức của bà con trong việc bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Xã hiện có gần 4.000ha rừng, trong đó hơn 2.000ha được chi trả DVMTR với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Khoản tiền này giúp người dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống".
Người dân xã Phúc Than (huyện Than Uyên) phát dọn thực bì để phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thực hiện tiền chi trả DVMTR không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt gần 41%. Để tiếp tục tăng độ che phủ, năm 2025, huyện Than Uyên sẽ trồng mới 90ha rừng sản xuất tại các xã: Mường Mít, Mường Cang, Khoen On, Pha Mu và Tà Hừa, chủ yếu là cây quế và cây gỗ lớn. Song song với đó, Ban QLRPH cũng đang phối hợp với các xã hướng dẫn người dân phát dọn, xử lý thực bì, đồng thời chăm sóc và bảo vệ 284,933ha rừng mới trồng.
Việc triển khai hiệu quả tiền chi trả DVMTR đã khẳng định tính đúng đắn, thiết thực và nhân văn của chủ trương này. Hy vọng thời gian tới, công tác chi trả DVMTR sẽ được hoàn tất đồng bộ trên toàn huyện, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân; đồng thời gìn giữ, phát triển bền vững những cánh rừng nơi vùng cao Than Uyên.
Ánh Hồng Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả