Đài tưởng niệm bên trong Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nghĩa Văn.
Thành cổ Quảng Trị - nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong suốt 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị. Sự kiện lịch sử này đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Pari, tạo đà cho cuộc tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để làm nên trang sử hào hùng ấy, hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thành cổ Quảng Trị cho biết, Thành cổ Quảng Trị được ví là nghĩa trang không có nấm mồ, chỉ có Đài tưởng niệm được xem là một nấm mồ chung cho hàng nghìn chiến sĩ, đồng bào cả nước đã mãi mãi yên nghỉ ở mảnh đất này.
Cho đến nay, vẫn chưa có một số liệu thống kê đầy đủ, chính xác rằng có bao nhiêu liệt sĩ đã hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị. Nhưng, có một điều ai cũng biết, các Anh, các Chị ra đi khi tóc còn xanh và nằm xuống khi đang mang trong mình nhiều hoài bão, ước mơ và khát vọng - khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập và tự do.
“Để cho đến tận bây giờ, vẫn còn có rất nhiều cảnh những bà mẹ mắt đã mờ, tóc đã bạc mà ngày đêm vẫn ngóng tin con. Nghe một tiếng động khẽ thôi cũng ngỡ các Anh về bên mẹ. Nhưng các Anh không về với mẹ cha nữa bởi các Anh đã hóa tượng đài” - bà Lan xúc động và cho biết thêm, Đài tưởng niệm là nơi yên nghỉ của những linh hồn bất tử, nơi giao hòa giữa sự sống và cái chết, giữa quá khứ và hiện tại.
Theo bà Lan, chúng ta đang sống trong hòa bình, khi đến với Đài tưởng niệm mỗi người dâng một nén tâm hương để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh và cầu mong cho linh hồn các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ ở mảnh đất này được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.
Hiện nay, ngày 16/9 - ngày kết thúc chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và Thị xã Quảng Trị được Ban Quản lý Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thành cổ Quảng Trị chọn là ngày giỗ chung cho các liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh ở mảnh đất này.
Bên cạnh đó, vào các dịp 30/4, 27/7, 22/12, các ngày rằm hàng tháng, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tại Quảng Trị tổ chức lễ thả đèn hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên dòng sông này trong cuộc chiến 81 ngày đêm lịch sử.
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị mỗi ngày đều đón nhiều đoàn khách tới dâng hương, dâng hoa. Ảnh: Nghĩa Văn.
“Mọi người luôn nhớ đến các Anh - những con người đã xả thân vì sự trường tồn của Tổ quốc, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân” - bà Lan khẳng định.
Ghé thăm Thành cổ Quảng Trị vào ngày 24/7, ông Hoàng Xuân Long (40 tuổi, cùng ở xã Quảng Ninh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, hàng năm vào dịp 27/7, gia đình ông đều cùng nhau đến các địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, như: Hang Tám Cô, cầu Hiền Lương, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn… để viếng các Anh hùng liệt sĩ. Đây cũng là dịp để ông Long giới thiệu về truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước và hun đúc thêm lòng yêu nước, biết ơn các Anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc đến các con của mình.
Cùng vợ và 4 con đến viếng Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị trong dịp 27/7 này, ông Lương Minh Báu (ở phường Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, vô cùng cảm kích, biết ơn trước sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ - những người đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, cho thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập.
Nghĩa Văn