Tháng Bảy thiêng liêng ở Thành cổ Quảng Trị

Tháng Bảy thiêng liêng ở Thành cổ Quảng Trị
7 giờ trướcBài gốc
Bước qua cổng Thành cổ, chúng tôi không cảm thấy mình đang vào một khu di tích, mà như đi vào một nghĩa trang vô hình. Nơi đây, mỗi tấc đất là máu xương, một nhành cỏ là một câu chuyện chưa được kể trọn. Người ta vẫn gọi đây là nghĩa trang không có mộ, bởi thân thể các anh không còn nguyên vẹn để khắc tên, dựng bia. Chỉ có một nấm mồ chung và nỗi xót xa trải dài theo từng bước chân lặng lẽ.
Chúng tôi dừng lại trước đài tưởng niệm trung tâm, một công trình đặc biệt, mang hình tượng ngôi mộ tập thể, được xây dựng theo triết lý Phương Đông. Nền bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối lên mô phỏng tứ tượng. Tầng chúng tôi đang đứng gọi là tầng lưỡng nghi, chia làm hai nửa âm dương: một bên là mặt nước phẳng lặng, bên kia là nền gạch đỏ rực. Âm và dương. Cái chết và sự sống. Ký ức và hiện tại. Chúng vận động, giao thoa trong một vòng chảy không bao giờ dừng lại.
Ở phần âm, người ta dựng một ngọn đèn cao 8,1 mét, gọi là Đèn Thiên Mệnh. Dáng đèn đỏ thắm như máu, vút thẳng lên trời như một ngọn lửa bất diệt. Trên đỉnh đèn là ngọn lửa thiêng, ánh sáng dẫn đường linh hồn các liệt sĩ từ cõi tạm trở về miền cực lạc. Giữa thân đèn, ba đám mây uốn lượn tượng trưng cho Thiên - Địa -Nhân. Ba bát cơm đắp nổi, như mâm cơm cúng chiều, chờ đón linh hồn những người ngã xuống. Tất cả giản dị đến tận cùng, nhưng cũng thiêng liêng đến vô hạn. Phía bên kia, phần dương, nền gạch đỏ rực như thân thể sống, người ta chừa lại một lỗ tròn thông xuống lòng mộ. Lối âm trong dương ấy dẫn sâu vào bên dưới, nơi giao nhau của hai trục đường tượng trưng cho tứ phương, nơi các linh hồn chiến sĩ tề tựu như một cuộc hội ngộ bất diệt.
Chính giữa lòng mộ, không có tượng đồng hay bia đá, chỉ có một chiếc ba lô sờn quai, đôi dép cao su đã mòn gót, chiếc mũ tai bèo bạc màu, một bi đông nước cũ và khẩu súng AK nằm lặng. Những vật dụng bình thường ấy, như chính đời lính của họ, nhưng chất chứa trong đó là cả một bản anh hùng ca đã viết nên bằng máu.
Chúng tôi bước chậm vòng quanh đài tưởng niệm. Mỗi bước chân như lội qua một lớp ký ức. Gió thổi nhè nhẹ, làm cỏ non rạp xuống như thổn thức cùng nỗi nhớ người sống dành cho người khuất. Thành cổ không giống những nghĩa trang liệt sĩ khác, như Trường Sơn, Đường 9, nơi mỗi người lính, dù tên còn hay mất, cũng có một nấm mồ, một tấm bia khắc số. Ở đây, họ nằm lại với nhau trong một huyệt mộ lớn, không phân biệt cấp bậc, đơn vị, quê quán. Không một di ảnh. Không một hàng bia. Chỉ có cỏ xanh phủ lên, như chiếc chăn đất mẹ đắp cho hàng ngàn linh hồn. Và trên mặt đất kia, người đời đi nhẹ, nói khẽ, để không đánh thức những giấc ngủ chưa yên.
Bên ngoài tầng lưỡng nghi là một vòng hành lang đá, nơi dựng 81 bức phù điêu - 81 tờ lịch bằng đá, khắc theo chiều ngược kim đồng hồ. Mỗi bức ghi lại một ngày của cuộc chiến 81 ngày đêm: Từ 28/6 đến 16/9/1972. Mỗi ngày là một bản anh hùng ca, là một lớp máu ngấm vào lòng đất, là một linh hồn lìa xác giữa tuổi đôi mươi. Đọc từng tấm lịch ấy, người ta không còn cảm giác về thời gian trôi qua, mà thấy rõ thời gian ở lại, như máu đông trên đá, như tiếng vọng từ lòng sâu.
“Dưới lớp đất này, vẫn còn hàng ngàn hài cốt chưa thể phân định”, giọng cô hướng dẫn viên vang lên lặng lẽ: “Nên tất cả những gì từng thuộc về triều Nguyễn - tường thành, vọng gác, đình tạ…, sẽ không được phục dựng. Thành cổ giờ không còn là di tích của một triều đại, mà là công viên linh hồn, là nơi tưởng niệm tập thể của một dân tộc từng đi qua lửa đạn và đứng dậy từ hoang tàn”. Chúng tôi im lặng. Có gì đó vừa se thắt trong ngực, vừa mở ra trong tâm trí, như thể mình không chỉ đang đi giữa đất Quảng Trị, mà đang đi giữa lịch sử sống động nhất của dân tộc.
Tháng Bảy, người dân thành kính đến viếng Thành Cổ.
Giữa khuôn viên lặng gió, bất chợt vang lên tiếng hát khe khẽ từ chiếc loa phát thanh tại khu di tích: “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/ Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đong đưa/ Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về…”.
Giọng hát vút lên, rồi như tan vào không khí, nhẹ như gió lướt qua tán cây, như lời thì thầm từ lòng đất vọng lên. Một khúc tưởng niệm, một khúc linh hồn. Chúng tôi gặp ông Phạm Đình Lân, một cựu chiến binh từ Hà Nội trở lại chiến trường xưa. Ông đến lặng lẽ, không bảng tên, không cờ hoa, chỉ có một nhành huệ trắng và một ánh mắt xa xăm. Trước đài tưởng niệm, ông đứng rất lâu, chắp tay cúi đầu, môi mấp máy đọc từng câu thơ nghẹn lại trong hơi thở: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ…”. Không ai nói gì. Mọi thứ bỗng chùng xuống, như chính gió cũng ngừng thổi một nhịp.
Bước vào nhà trưng bày di vật, chúng tôi lặng người trước hai bức thư còn lưu giữ nguyên vẹn trong bao nilon suốt mấy chục năm. Đó là thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Bộ đội địa phương Quảng Trị, viết cho người vợ miền Tây Quảng Bình trước khi anh hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm. Anh đã cưới chị Khơi, một cô gái tên rất lạ - Biển Khơi, trước ngày ra trận. Đứa con trai ra đời không được dòng họ nhà chồng thừa nhận, bởi không ai hay tin anh cưới vợ bao giờ. Mãi đến năm 2000, khi công nhân đào đường ống nước phía Tây Thành cổ, phát hiện một hầm chữ A với 5 hài cốt và một lá thư tình được gói kỹ, thì đứa trẻ mang tên Lê Quảng An mới chính thức được công nhận là con liệt sĩ. Hai mươi tám năm đợi chờ chỉ để có một danh phận. Đắng chát và thiêng liêng đến thế là cùng.
Ở một góc khác, di vật của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trân trọng đặt trên bục kính. Anh là sinh viên năm thứ 4 Đại học Xây dựng, quê Thái Bình. Sau đám cưới vỏn vẹn 6 ngày, anh vào Quảng Trị, mang theo lời thề và cả trái tim non trẻ. Ngày 11/9/1972, anh viết thư vĩnh biệt gửi gia đình: “Mẹ kính mến! Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời ơi hỡi trời! Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Nhưng mẹ ơi, hãy lau nước mắt, sống đến ngày đón mừng chiến thắng…”.
Đoạn, viết cho vợ, anh dặn dò: “Nếu có ai thông cảm, hãy đi thêm bước nữa… Khi được sống trong hòa bình, hãy nhớ tới lòng anh…”. Ba tháng sau ngày viết thư, anh hy sinh khi đang vượt sông Thạch Hãn. Đến năm 2002, hài cốt anh được tìm thấy bên mép sông ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng và được đưa về quê nhà an táng. Người vợ trẻ ngày ấy, chị Đặng Thị Xơ, không tái giá, vẫn ở vậy hương khói cho anh gần nửa thế kỷ.
Mặt trời lên cao. Gió thổi từ phía sông Thạch Hãn phả qua những tầng cây, làm lá reo như lời thì thầm của người đã khuất. Chúng tôi ngồi trên bậc đá, nhìn xuống lớp cỏ non Thành cổ, thấy mình nhỏ bé như một chiếc lá rơi giữa chiều tháng Bảy.
Chiến tranh đã đi qua. Nhưng máu và đất thì chưa bao giờ rời nhau. Người lính đã nằm lại, nhưng lịch sử thì vẫn sống, trong từng viên gạch, từng dòng thư, từng ánh mắt người mẹ, người vợ lặng lẽ thắp nhang và trong bước chân của những thế hệ hôm nay. Ở Thành cổ, có một điều không đổi: Mọi tiếng nói đều trở nên khẽ khàng. Vì người ta sợ làm động giấc ngủ của hàng ngàn người lính chưa kịp về quê.
Thanh Bình
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/thang-bay-thieng-lieng-o-thanh-co-quang-tri-i775516/