Thắng đậm trên những cánh đồng lớn ở Bạc Liêu

Thắng đậm trên những cánh đồng lớn ở Bạc Liêu
4 giờ trướcBài gốc
HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường những năm qua luôn là cái tên được nhắc đến như một mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi sản xuất tại xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình. Trên cánh đồng của HTX, theo định kỳ, máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu sinh học theo công nghệ Nhật Bản.
Liên kết để mạnh hơn
HTX nông nghiệp Vĩnh Cường được thành lập vào năm 2016 với 30 thành viên, tổng vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Qua quá trình hoạt động và phát triển, HTX không ngừng lớn mạnh, đến nay có 485 thành viên với tổng vốn điều lệ 5 tỷ đồng đồng.
Giai đoạn đầu mới thành lập, HTX chỉ tập trung cung ứng trong thành viên, sau thời gian phát triển HTX mở rộng cung ứng ra bên ngoài với số lượng dịch vụ ngày càng tăng và địa bàn hoạt động ngày càng mở rộng ở các tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…
Liên kết sản xuất trong HTX, tổ hợp tác giúp nông dân nâng cao nội lực, tăng giá trị kinh tế.
Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX Vĩnh Cường cho hay, từ nhiều năm nay, đơn vị là cầu nối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. HTX đã đưa lúa gạo miền Tây đi khắp thế giới với hơn 34 quốc gia, vùng lãnh thổ.
"Chúng tôi không chỉ trồng lúa mà còn tổ chức cả chuỗi sản xuất từ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Năm rồi, HTX liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ hơn 20.000 tấn lúa cho thành viên", ông Cường chia sẻ.
Đặc biệt, HTX Vĩnh Cường là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2022, HTX đã triển khai sử dụng phần mềm “sổ tay điện tử” để ghi chép nhật ký canh tác, truy xuất nguồn gốc và kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu thụ. Các máy bay không người lái (drone) cũng được sử dụng để phun thuốc và phân bón, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Anh Lê Văn Mười, một hộ thành viên HTX, chia sẻ: “Nhờ HTX, mỗi ha lúa của tôi lời thêm 6-7 triệu đồng so với sản xuất truyền thống. Cả nhà tôi mấy năm trước còn trong diện cận nghèo, giờ thì đã dựng được nhà mới, con cái học hành đàng hoàng”.
Không dừng lại ở đó, HTX Vĩnh Cường còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa thông minh, thích ứng với hạn – mặn cho thành viên và nông dân xung quanh. Trung bình mỗi năm, HTX tổ chức từ 5 đến 7 lớp, mỗi lớp từ 30 đến 50 học viên, góp phần lan tỏa kiến thức nông nghiệp hiện đại đến tận cơ sở.
Lúa – tôm và đa dịch vụ
Cách HTX Vĩnh Cường không xa, xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) là nơi đặt trụ sở của HTX Ba Đình – một trong những mô hình hiếm hoi kết hợp trồng lúa – nuôi tôm hiệu quả.
Đại diện HTX cho biết đơn vị xuất phát điểm với mô hình lúa – tôm truyền thống, đến nay tiếp tục mở rộng thêm các dịch vụ như cung cấp vật tư nông nghiệp, thu hoạch thuê, vận tải nội bộ và cả bán hàng tiêu dùng cho thành viên, nông dân liên kết với giá ưu đãi.
HTX Ba Đình hiện có hơn 600 ha diện tích sản xuất, mỗi năm cung ứng đầu vào cho khoảng 300 hộ dân và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho gần 80% sản lượng của thành viên. Thu nhập bình quân của hộ thành viên đạt trên 65 triệu đồng/năm, nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
"Nhờ HTX mà tôi không còn phải lo đầu ra cho lúa hay tôm. Mùa nào cũng có người đến thu mua tận ruộng, giá cả ổn định hơn rất nhiều," bà Nguyễn Thị Hạnh, một hộ thành viên HTX chia sẻ.
Các HTX đang khẳng định dấu ấn trên những cánh đồng lớn hiệu quả cao ở Bạc Liêu.
Nhắc đến những HTX điển hình tại Bạc Liêu cũng không thể không kể đến HTX Quyết Tiến ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đã biến vùng đất trước đây khô cằn, chỉ trồng được vụ lúa duy nhất mỗi năm, thành vườn rau màu rực rỡ quanh năm.
Từ mô hình luân canh cây màu – lúa – cây màu, HTX Quyết Tiến không chỉ tăng hệ số sử dụng đất lên 2,5 lần, mà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, trong đó có nhiều phụ nữ đơn thân và người nghèo.
Có thể thấy, các HTX đang khẳng định dấu ấn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 HTX đang hoạt động, trong đó 11 HTX có 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.
Ngoài ra, tỉnh còn có 3 Liên hiệp HTX với 31 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ và sản phẩm đầu vào, đầu ra cho sản xuất lúa gạo và thủy sản.
Chuyển đổi để giảm nghèo bền vững
Những thành công của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến từ chính sách hỗ trợ của ban ngành tỉnh, đặc biệt là sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu.
Điển hình, đầu năm 2025, Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký kết chương trình phối hợp phát triển kinh tế tập thể và HTX giai đoạn 2025–2030, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác tại địa phương.
Chương trình hợp tác tập trung vào năm nội dung trọng tâm gồm tuyên truyền chính sách phát triển kinh tế hợp tác, thành lập mới và nâng cao chất lượng HTX. Kết nối tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tiếp cận nguồn lực phát triển.
Mục tiêu đặt ra là mỗi năm tỉnh thành lập từ 20 - 25 HTX mới, trong đó 75% là HTX nông nghiệp, 25% là HTX phi nông nghiệp; thu hút tối thiểu 3,5% dân số tham gia HTX hoặc tổ hợp tác, đồng thời đảm bảo 100% HTX trên địa bàn trở thành thành viên của Liên minh HTX tỉnh.
Không dừng lại ở các HTX, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai hơn 80 mô hình sinh kế cho người nghèo trong hai năm qua, tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt và nghề thủ công. Gần 1.000 hộ nghèo đã tham gia, trong đó có hàng trăm hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi, được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ đầu ra sản phẩm.
Những cánh đồng ở Bạc Liêu hôm nay không chỉ là nơi gieo trồng mà còn là minh chứng cho tinh thần đổi mới, cho sức sống của những mô hình HTX kiểu mới – sản xuất bài bản, liên kết chặt chẽ và giàu tính cộng đồng.
Bạc Liêu đã và đang từng bước giảm nghèo không chỉ bằng chính sách, mà bằng chính đôi tay của người nông dân – qua những hạt giống mới, cách làm mới và niềm tin vào tương lai no ấm. “Giảm nghèo ở Bạc Liêu hiện không chỉ là chuyện ‘cho con cá’ mà là ‘cho cần câu’. HTX, tổ hợp tác, mô hình sinh kế nhỏ chính là những ‘cần câu’ ấy”, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Minh Khuê
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thang-dam-tren-nhung-canh-dong-lon-o-bac-lieu-1106327.html