Đỏ rực trên ngực áo những tấm huân chương, vợ chồng bà Ka Jiêng tự hào kể cho con cháu nghe về một thời hoa lửa
Bên dòng sông Đạ Dâng hiền hòa, êm ả, chẳng ai nghĩ rằng, hơn 50 năm về trước, mặt nước ấy không một phút bình yên bởi sóng nước cứ cuồn cuộn, thanh âm gầm rú, nhưng chẳng phải do bão lũ mà là bom đạn của Mỹ trút xuống. Được nối liền bởi con sông Đạ Dâng, với khoảng cách gần 50 km đường rừng, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên khi ấy tại xã Tân Thượng, huyện Di Linh và xã Liên Hà, huyện Lâm Hà vẫn âm thầm ra sức bám bản, bám rừng, một lòng theo cách mạng.
Trong câu chuyện chúng tôi được nghe, khóe mắt cay cay nhưng bà Ka Jiêng ánh lên niềm tự hào khi nhắc về người cha qua cố, ông K’Chát - người vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Chia sẻ với chúng tôi, bà Ka Jiêng cho hay: “Từ những lần nghe cha kể chuyện, và chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, gia đình ly tán, quân Mỹ lùng sục khắp nơi, bắt thanh niên trong vùng đi lính, đốt bản làng…, bản thân tôi càng thêm căm phẫn bởi sự tàn phá, khốc liệt của chiến tranh. Cũng vì thế, mà đã khơi dậy tinh thần yêu nước của bà con trong buôn. Đồng thời thôi thúc ý chí, lòng yêu nước của thế hệ trẻ, những chàng trai, cô gái bước vào tuổi 18 lúc bấy giờ xin gia nhập lực lượng du kích với tâm thế luôn sẵn sàng khi được giao nhiệm vụ”.
Đối với gia đình bà Ka Jiêng, những tấm Huân chương, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ là tài sản vô giá được bà nâng niu mỗi ngày
Nhớ về những tháng ngày cùng cha lênh đênh trên sông cất giấu lương thực để tiếp tế kịp thời cho cách mạng, bà Ka Jiêng bảo rằng, 12 tuổi đã theo chân cha mưu sinh, kiếm sống bằng nghề đánh cá trên sông. Lúc đó chưa suy nghĩ được nhiều, bà cũng không biết nguy hiểm sẽ đến khi nào. Bởi dọc bờ sông Đạ Dâng, máy bay địch lượn quần thảo trên bầu trời ngày đêm. Nghi chỗ nào có hoạt động của quân ta là chúng bắn pháo khói gọi ngay máy bay phản lực đến và không đầy 5 phút sau, bom sẽ cày nát khu vực pháo khói vừa chỉ điểm.
“Hồi đó, gia đình tôi khai hoang được 4 sào đất dùng để trồng gạo tẻ. Mỗi lần thu lúa, cả nhà lại tập trung, tích cực giã gạo ban đêm. Có bao nhiêu, gia đình mình giã bấy nhiêu. Ngày đó thiếu thốn đủ bề, cha bảo, gạo của bộ đội nên phải làm kỹ, làm nhanh để kịp chuyển đến cho cách mạng. Ngày nắng còn đỡ, nhưng những ngày mưa vất vả đủ bề, phần lo địch phát hiện, phần nữa sợ lương thực bị ướt, hoặc trễ giờ tiếp tế gạo cho cách mạng. Một lần mưa lũ kéo đến, nước dâng cao cuốn trôi nhà cửa và cả chiếc bè của hai cha con. Cũng lo, cũng sợ, nhưng nghĩ đến việc bộ đội đói, nên cả nhà lại dốc sức lấy gạo, còn cha tôi nhanh chóng làm bè xuyên đêm để có phương tiện di chuyển”, bà Ka Jiêng nhớ lại.
Ký ức về những tháng ngày cùng cha lênh đênh trên sông Đạ Dâng để tiếp tế lương thực cho cách mạng vẫn còn đó
“Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ. Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây. Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay. Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày. Lửa bập bùng. Tiếng chày khuya cắc cum cum cụp cum”. Đó là những câu hát của bà Ka Jiêng cất lên khi đưa chúng tôi thăm nơi ở, trồng lúa của gia đình trong thời kỳ kháng chiến. Bà bảo, những câu từ trong bài hát như thấm vào suy nghĩ của từng thành viên trong gia đình. Càng như thế, ngọn lửa cách mạng lại được hun đúc lên. Những lúc giã gạo mệt, cả nhà lại hát nghêu ngao để tiếp thêm động lực. Lúa phải xúc bằng tay và giã thường xuyên, liên tục để kịp thời gian di chuyển. Số lượng tăng dần từ 5 kg, rồi 10 kg, 15 kg, 20 kg… Ngoài đưa gạo, mắm muối, thi thoảng bộ đội lại nhờ mua kẹp tóc, dây thun, dép đi…
“Địch cứ thả bom, bắn phá, còn tôi và cha vẫn chèo bè, khôn khéo, cẩn trọng cất giấu lương thực vận chuyển qua sông. Gạo được lấp phía dưới tấm lưới đánh cá. Trung bình chiếc bè ấy lại tiếp tế lương thực 3 ngày/tuần, 4 lượt mỗi ngày. Để di chuyển lương thực an toàn, cha bảo phải đi vào lúc 12 giờ đêm hoặc 4 giờ sáng nên cứ tối đến cả nhà lại tất bật giã gạo, đêm đến chất lên bè rồi hai cha con đưa qua sông. Ngày ấy, bom đạn của địch trút xuống như mưa, bay vùn vụt qua mặt, qua người là chuyện hàng ngày. Mỗi lần như thế, chiếc bè nhỏ được cha tự chế bằng các gốc cây đục thủng ruột rung lắc như muốn lật ngược xuống”, bà Ka Jiêng nói.
Câu chuyện được bà Ka Jiêng kể bởi giọng nói kiên định, ánh mắt rực lửa niềm tin, dù trải qua mưa bom, bão đạn nhưng đã không làm nao núng ý chí quyết tâm, một lòng theo Đảng của gia đình bà Ka Jiêng. Niềm tự hào ấy một lần nữa được bà nhắc đến khi nói về người bạn đời của mình - ông K’Kráh, người vinh dự được nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Sau khi tham gia lực lượng dân quân du kích, sau giải phóng tôi tham gia lực lượng là những thanh niên trẻ, khỏe, có nhiệt huyết, có cảm tình với cách mạng ở các buôn làng Tây Nguyên thực hiện nhiệm vụ tìm và diệt Fulro”, ông K'Kráh tâm tình.
Trong căn nhà nhỏ, 4 tấm Huân chương, Huy chương hạng Nhất, hạng Ba vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được treo trang trọng ở góc nhà. Tròn 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, cô du kích nhỏ ngày nào nay đã ngoài 70 và trở thành hội viên tích cực của Hội Cựu chiến binh xã. Gặp chúng tôi giữa những ngày tháng Tư lịch sử, sau những chia sẻ về năm tháng can trường cùng cha tiếp tế lương thực cho cách mạng, bà tâm sự: “Hòa bình lập lại, tôi lập gia đình rồi sinh được 11 người con. Những ngày Tết đến đoàn viên hay thời gian rảnh rỗi bên con cháu, tôi thường đem những kỉ niệm, câu chuyện về những lần tiếp tế của hai cha con kể cho các con, các cháu nghe".
Trên dải đất hình chữ S, còn biết bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trung hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, mất con hay những anh hùng Lực lượng vũ trang đã gan dạ, quả cảm trong cuộc kháng chiến và cả những người con vùng đồng bào dân tộc thiểu số như gia đình bà Ka Jiêng sẽ luôn là tấm gương sáng, soi rọi, hun đúc nên trang sử hào hùng của dân tộc.
THÂN THU HIỀN