Người dân gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Miền Tây xứ Thanh gồm 11 huyện. Đây là nơi quần cư sinh sống suốt bao đời của các dân tộc anh em, như: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú... Trong lần về thăm đầu tiên vào 20/2/1947 Người đã dự định lên thăm đồng bào vùng thượng du, nhưng chưa thể thực hiện được. Bởi vậy, Bác đã viết một lá thư, gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa, với những lời lẽ trìu mến, yêu thương: “Cùng đồng bào yêu quý! Tôi đến thăm Thanh Hóa, tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp tôi sẽ lên thăm các đồng bào. Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc...”.
Khắc ghi lời dạy của Người, đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh luôn đoàn kết, nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đồng bào thượng du đã hăng hái xung phong ra trận, tích cực trong lao động sản xuất, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc thù. 78 năm qua, lời nhắn gửi trong lá thư của Bác Hồ đã trở thành động lực to lớn, để đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh nỗ lực phấn đấu, cùng dân tộc đi qua 2 cuộc kháng chiến trường chinh bảo vệ nền độc lập và bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Bá Thước là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây, có 3 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 85%. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước đã có nhiều người con của Bá Thước nằm lại trên các chiến trường. Toàn huyện có 1.003 liệt sĩ, 81 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, 345 thương binh; 135 bệnh binh; gần 5.000 người tham gia kháng chiến được Nhà nước khen thưởng và nhiều người là bộ đội, công nhân quốc phòng, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu và phục vụ chiến trường.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước đã nỗ lực học và làm theo lời Bác. Hằng năm cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong huyện đều phát động phong trào thi đua cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu đã biết tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như ông Hà Văn Dũng (dân tộc Mường) thôn Ấm, xã Lương Nội, đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện, mô hình kinh tế tổng hợp mỗi năm mang lại lợi nhuận cho gia đình ông Dũng khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng và hơn 30 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, ông Dũng còn tích cực chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con trong thôn; cho một số hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất. Đặc biệt, gần đây ông Dũng đã bỏ tiền cá nhân gần 400 triệu đồng để cải tạo nhiều đoạn đường đi vào đồi keo, đồi mía của bà con trong thôn, giúp cho việc đi lại, vận chuyển thuận lợi hơn nhiều.
Đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Hà Văn Dũng, chia sẻ: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là điều tôi tâm nguyện sẽ thực hiện suốt đời. Bản thân là nông dân tôi luôn nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho người dân trong thôn, đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bên cạnh đó, huyện Bá Thước đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn vận động Nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt, chú trọng phát triển du lịch tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Quan tâm huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ; tạo điều kiện giúp các hộ vay vốn mở rộng sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,93%...
Cùng với huyện Bá Thước, ở các huyện miền núi trong tỉnh, đồng bào các dân tộc đã nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Kinh tế - xã hội nơi đây có bước phát triển khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 6%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo cả khu vực 11 huyện miền núi giảm còn 6,3%...
Diện mạo quê hương từng bước đổi thay, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc các huyện miền Tây xứ Thanh từng bước được nâng lên, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đây chính là “món quà” quý mà đồng bào các dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Bài và ảnh: Xuân Cường