Bài 1: Tự sửa hồ sơ nhằm lưởng lợi chế độ chính sách
Công dân và Khuyến học xác minh sự việc như sau:
Ông Nguyễn Công Thiếc (xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có con là Nguyễn Thị Tươi, sinh năm 1978 đang được hưởng trợ cấp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc Hóa học theo Quyết định số 9275/QĐ/SLĐTBXH ngày 28/9/2007 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Công Thiếc khai tham gia kháng chiến tại địa bàn tỉnh Quảng Trị từ tháng 12/1969 đến tháng 10/1975. Ông Thiếc có Quyết định 929/HPA ngày 1/8/1989 của Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12) cho nghỉ để làm chế độ bảo hiểm xã hội.
Trong phần thời gian công tác, ông Nguyễn Công Thiếc ghi: từ tháng 5/1966 đến tháng 5/1970 là chiến sĩ tham gia mặt trận Quảng Trị, khu vực có chất độc hóa học.
Toàn bộ hồ sơ được chính quyền xã Thiệu Thịnh xác nhận để Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thiệu Hóa thẩm định gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa xem xét và ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp cho con ông Thiếc.
Lý lịch đảng viên đã được ông Nguyễn Công Thiếc chữa thời gian chiến đấu tại Quảng Trị và Quyết định không hợp lệ trong hồ sơ.
Như vậy, ông Nguyễn Công Thiếc đã khai trong hồ sơ không đúng sự thật. Không biết bằng cách nào, ông Thiếc có tờ quyết định về hưu do Tư lệnh Quân đoàn 1 cấp. Ngày, tháng, năm và số quyết định cũng như nội dung ghi đúng như quyết định chính thức, nhưng chữ viết không giống.
Tờ quyết định này không có dấu đóng trên chữ ký của Tư lệnh Quân đoàn 1 như bản chính thức (bản chính thức này chúng tôi đang có), mà chỉ ghi "Phó Tư lệnh Quân đoàn 1 đã ký - Đại tá Hoàng Ngọc Chiêu".
Tờ Quyết định ghi "Sao y bản chính" và đóng dấu không hợp lệ nằm trong bộ hồ sơ gửi đi để làm căn cứ trên ra quyết định trợ cấp cho con ông Thiếc.
Quyết định chính thức của ông Nguyễn Công Thiếc.
Còn Quyết định chính thức hợp lệ của Tư lệnh Quân đoàn 1 số 929 ngày 1/8/1989 ghi rõ: "Tháng 5/1966 đến tháng 5/1970, ông Nguyễn Công Thiếc là chiến sĩ học viên văn hóa Quân khu 4. Từ tháng 6/1970 đến tháng 8/1974 là học viên sĩ quan thông tin - Bộ Tư lệnh thông tin. Từ tháng 9/1974 đến tháng 5/1976 ở Đại đội 16, Trung đoàn 89, Quân khu 4…".
Tờ quyết định hợp lệ không ghi ngày nào ông Nguyễn Công Thiếc công tác, chiến đấu tại Quảng Trị.
Có thể nói rằng, thời gian ông Nguyễn Công Thiếc khai từ tháng 12/1969 đến tháng 10/1975 chiến đấu ở Quảng Trị là khai man, nhằm mục đích chứng minh ông Thiếc có thời gian công tác và chiến đấu ở vùng có chất độc hóa học để hợp lý hóa việc làm chế độ trợ cấp cho con đẻ của ông.
Không những thế, ông Thiếc còn ghi thêm vào quyết định và lý lịch đảng viên. Khi làm việc với Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Công Thiếc thừa nhận "việc bổ sung vào quyết định và lý lịch đảng viên nhưng không được sự cho phép, xác nhận cơ quan có thẩm quyền là sai quy định".
Ngày 11/8/2020, Công an tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 781/CAT-PA03 do Thượng tá Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng phòng ký đóng dấu, kết luận: "Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hồ sơ của ông Nguyễn Công Thiếc, sinh năm 1949, ở xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa có sửa chữa, viết thêm nội dung để hưởng chế độ người nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ".
Những thông tin trong văn bản kết luận về việc làm sai trái để hưởng chế độ chất độc da cam, Công an tỉnh Thanh Hóa có trao đổi với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa.
Kết luận của Công an tỉnh Thanh Hóa về vụ việc.
Biên bản làm việc của Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Thiệu Hóa về vụ việc.
Xin nói thêm, khi nhận được đơn tố cáo ông Nguyễn Công Thiếc của thương binh Nguyễn Doãn Đổng, ngày 21/2/2020, tại xã Thiệu Thịnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thiệu Hóa và Ủy ban nhân dân xã Thiệu Thịnh tổ chức cuộc đối thoại với ông Nguyễn Doãn Đổng.
Biên bản cuộc đối thoại có ghi "vậy đối chiếu với các bản khai và hồ sơ lưu trữ các hồ sơ viết thêm, sửa chữa và khai không trùng khớp nhau giữa quyết định hưu trí (tháng 5/1966 đến tháng 5/1970 đã có chứng thực bản sao đúng với bản chính của Ủy ban nhân dân xã Thiệu Thịnh ngày 25/3/2015), bản khai cá nhân của ông Thiếc tháng 12/1969 đến tháng 4/1975, sơ yếu lý lịch đảng viên (tháng 12/1969 đến tháng 5/1970 có chữa); đối chiếu trong loại hồ sơ trên không có sự trùng khớp về thời gian tham gia chiến trường".
Các chứng cứ trên đây đủ để khẳng định ông Nguyễn Công Thiếc sửa chữa hồ sơ, khai man thời gian công tác ở vùng có chất độc da cam để hưởng lợi.
Thế nhưng, cho đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa vẫn "ra sức" bảo vệ cái sai này...
(còn nữa)
Hiếu Minh