Hạ tầng giao thông phát triển sẽ sớm đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 94 dự án đầu tư trực tiếp (có 17 dự án FDI), tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12.433 tỉ đồng và 367,8 triệu USD.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 28 dự án (có 10 dự án FDI), chiếm 42,4% số dự án đã thu hút, với số vốn 4.522,7 tỷ đồng và 177,33 triệu USD, lần lượt chiếm 41,5% tổng vốn đầu tư trong nước và chiếm 99,9% tổng vốn FDI.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ được tỉnh Thanh Hóa thu hút 22 dự án (có 2 dự án FDI), bằng 28,8% số dự án đã thu hút, với số vốn 333,1 tỷ đồng và 0,17 triệu USD, lần lượt chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư trong nước và 0,1% tổng vốn FDI.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thanh Hóa đã thu hút 4 dự án với số vốn 190,5 tỷ đồng, chiếm 6,8% về số dự án và 1,7% về số vốn đầu tư trong nước; lĩnh vực khai khoáng 9 dự án với số vốn 120,7 tỷ đồng, chiếm 15,3% về số dự án và 1,1% về số vốn đầu tư trong nước; lĩnh vực hạ tầng có 4 dự án với số vốn 5.738 tỉ đồng, chiếm 6,8% về số dự án và chiếm 52,6% về số vốn đầu tư trong nước.
Một số dự án có quy mô lớn, như: Hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận với tổng mức đầu tư 2.545,8 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa, huyện Bá Thước với tổng mức đầu tư 3.199 tỷ đồng; dự án Trạm biến áp 500kV tại các xã: Thiệu Tiến, Thiệu Phúc, Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Trung và thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa với tổng mức đầu tư 1.444,5 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước; quốc phòng, an ninh đảm bảo vững chắc; giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong những năm tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết: Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, cơ chế, chính sách đặc thù...
Phát triển mạnh các ngành Dịch vụ, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo... đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp.
Tiến Anh