Thanh Hóa sẽ bàn giao mặt bằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước tháng 12/2026

Thanh Hóa sẽ bàn giao mặt bằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trước tháng 12/2026
6 giờ trướcBài gốc
Bí thư tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo
Ngày 8/7, ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho biết, để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/6/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Kết luận số 3585-KL/TU thành lập Ban Chỉ đạo GPMB và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo GPMB dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Thanh Hóa với chiều dài khoảng 95,33km (Ảnh minh họa).
Theo đó, ông Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó trưởng ban Thường trực; ông Trịnh Huy Triều, Giám đốc sở Xây dựng là Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo GPMB dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bình đồ hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa và phân bố các ga và trạm bảo dưỡng.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án với yêu cầu huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc với sự đồng lòng và quyết tâm cao, phát huy mọi nguồn lực của tỉnh và các địa phương để thực hiện đảm bảo mục tiêu đặt ra.
Cụ thể, hoàn thành xây dựng các khu tái định cư chậm nhất tháng 9/2026; cơ bản hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng trước tháng 12/2026 và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB bàn giao cho nhà thầu thi công xây dựng thực hiện dự án trong quý 1/2027 theo yêu cầu của Chính phủ; Hoàn thành phê duyệt dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD tại ga đường sắt tốc độ cao trong tháng 12/2026.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đã "phân vai" cho từng đơn vị: Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài Chính, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các địa phương có dự án đi qua.
Được biết, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài khoảng 95,33km (từ Km113+800 - Km209+130) với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng phải thu hồi khoảng 572,99ha (gồm 91,56ha đất ở; 481,43ha đất nông nghiệp và đất khác).
Dự án đi qua địa phận 7 phường và 12 xã của tỉnh Thanh Hóa gồm: Quang Trung, Bỉm Sơn, Hàm Rồng, Đông Tiến, Đông Sơn, Đông Quang, Trúc Lâm, Hoạt Giang, Hà Trung, Triệu Lộc, Hoằng Phú, Hoằng Giang; Trung Chính, Thắng Lợi, Nông Cống, Thăng Bình, Công Chính; Trường Lâm, Các Sơn.
Theo bình đồ hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao qua tỉnh Thanh Hóa có 2 ga hành khách và 3 trạm bảo dưỡng. Cụ thể, ga Thanh Hóa (ở xã Đông Tân nay là xã Đông Sơn); Ga Nghi Sơn (thuộc xã Tân Trường nay là xã Trường Lâm). Ba trạm bảo dưỡng lần lượt được đặt tại xã Hoằng Giang (trước kia là xã Hoằng Hợp); Thăng Bình và xã Trường Lâm (trước kia là xã Tân Trường).
Dự kiến, vị trí đặt nhà ga hành khách đường sắt tốc độ cao tại xã Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, phía đông tiếp giáp với đường Vành đai phía Tây.
Bố trí 3.873 tỷ đồng xây tái định cư
Để GPMB cho dự án, tỉnh Thanh Hóa tổ chức triển khai thực hiện 39 khu tái định cư trên địa phận 16 xã, phường với diện tích gần 300ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.873 tỷ đồng.
Đến nay, đã hoàn thành xây dựng hạ tầng 1 khu tái định cư tại thôn Mỹ Phong, xã Công Chính; hoàn thành các thủ tục và phê duyệt thiết kế, đang GPMB 8 khu; hoàn thành lập quy hoạch chi tiết và đang triển khai lập dự án 1 khu; đang lập quy hoạch chi tiết 28 khu và đang xin ý kiến nhân dân về vị trí xây dựng khu tái định cư 1 khu.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đang giao UBND các phường, xã nghiên cứu, lựa chọn đề xuất các khu tái định cư còn lại có khả năng hoàn thiện thủ tục theo quy định có thể khởi công trước ngày 19/8/2025, để báo cáo Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 335/TB-VPCP ngày 28/6/2025.
"Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai các công việc, GPMB liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao. Quan điểm của tỉnh là làm quyết liệt, làm sớm, đáp ứng được yêu cầu mà Chính phủ yêu cầu", ông Trịnh Huy Triều cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Triều, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí hết, việc ứng vốn ngân sách địa phương để xây dựng các khu tái định cư gặp khó khăn.
Để sớm hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, ổn định đời sống nhân dân khu vực bị ảnh hưởng, Sở Xây dựng Thanh Hóa có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa được ứng vốn xây dựng các khu tái định cư từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án và sẽ thực hiện hoàn ứng trước khi bàn giao mặt bằng cho dự án.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh 2 vị trí trạm bảo dưỡng đang dự kiến đặt tại Km141+00 và Km176+00 làm cơ sở xác định số hộ phải di chuyển chỗ ở, bố trí tái định cư.
Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt và các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm hoàn thành bàn giao hồ sơ và cọc GPMB ngoài thực địa cho địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện.
39 khu tái định cư được bố trí tại 16 xã, phường ở Thanh Hóa gồm:
Đoạn qua phường Bỉm Sơn: Bố trí 1 khu tái định cư với quy mô 3,0ha, dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 50 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Hà Trung bố trí 5 khu tái định cư với quy mô 24,64ha, dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 244,9 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Triệu Lộc bố trí 2 khu tái định cư với quy mô 15,8ha, dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 157 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Hoằng Phú bố trí 5 khu tái định cư với quy mô 16,26ha, dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 161,6 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Hoằng Giang bố trí 3 khu tái định cư với quy mô 10,45ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 103,8 tỷ đồng.
Đoạn qua phường Hàm Rồng bố trí 2 khu tái định cư với quy mô 47,61ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 793,9 tỷ đồng.
Đoạn qua phường Đông Tiến bố trí 2 khu tái định cư với quy mô 17,54ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 292,5 tỷ đồng.
Đoạn qua phường Đông Sơn bố trí 1 khu tái định cư Đông Tân với quy mô 17,79ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 296,6 tỷ đồng.
Đoạn qua phường Đông Quang bố trí 3 khu tái định cư với quy mô 37,05ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 617,8 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Trung Chính bố trí 3 khu tái định cư với quy mô 20,98ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 208,5 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Thắng Lợi bố trí 2 khu tái định cư với quy mô 20,98ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 116,4 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Nông Cống bố trí 2 khu tái định cư với quy mô 21,02ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 208,9 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Thăng Bình bố trí 1 khu tái định cư với quy mô 8,81ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 87,5 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Công Chính bố trí 3 khu tái định cư với quy mô 24,08ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 239,2 tỷ đồng.
Đoạn qua phường Trúc Lâm bố trí 2 khu tái định cư với quy mô 2,6ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 43,4 tỷ đồng.
Đoạn qua xã Trường Lâm bố trí 2 khu tái định cư với quy mô 7,8ha; dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 130,1 tỷ đồng.
Phúc Tuấn
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/thanh-hoa-se-ban-giao-mat-bang-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-truoc-thang-12-2026-192250708164658263.htm