'Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình'

'Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình'
2 giờ trướcBài gốc
Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt
Cuối tháng 8/1954, sau đúng 1 tháng ký Hiệp định Giơnevơ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Cần tổ chức một cuộc tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng cho cán bộ và đồng bào ở địa phương về nghĩa vụ đón tiếp bộ đội, thương binh, cán bộ và đồng bào miền Nam ra... Phải làm cho cán bộ và nhân dân nhận thấy việc đón tiếp và giúp đỡ này là một nghĩa vụ và cũng là một vinh dự của mình. Cần có thái độ ân cần, chăm sóc, giúp đỡ như đối với anh chị em ruột thịt, càng không phải là có thái độ ban ơn, mà chính là phải có thái độ đối với những người có công đối với Tổ quốc, có công với bản thân mình và đã cùng mình chiến đấu gian khổ lâu nay"...
Có thể nói, đây không chỉ là đợt chuyển quân thông thường, mà còn là đợt chuyển quân mang trong đó những chủ trương, chính sách về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng - đào tạo đội ngũ cán bộ, vừa góp phần cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước sau này.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh lưu niện với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình”.
Thời điểm lịch sử ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vinh dự là địa phương đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ giao, bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tại các địa điểm: Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa... Địa điểm đầu tiên đón tiếp là Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã diễn ra chu đáo, thân tình, với tình cảm ruột thịt Bắc - Nam một nhà.
Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, Thanh Hóa đã đón tiếp 7 đợt gồm 1.869 thương bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ tập kết ra Bắc. Tỉnh đã chỉ đạo Ty Thương binh mượn nhà dân để thành lập và tổ chức 12 trạm đón tiếp. Ngành y tế đã xây dựng một trạm cấp cứu tại Sầm Sơn, 2 trạm y tế đặt ở 2 xã Hoằng Quang và Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), xây bệnh xá ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất đón tiếp, tỉnh đã chỉ đạo các huyện ủng hộ bằng vật chất để giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.
Sau hai năm thi công, tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thiện trước dịp Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) sẽ được tổ chức vào ngày 27/10/2024.
Ngay khi vừa đặt chân lên mảnh đất Sầm Sơn, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa tiếp đón bằng tất cả sự chân thành, yêu thương và tình cảm ruột thịt. Sống trong vòng tay yêu thương trên đất Bắc, hàng vạn người con phương Nam đã học tập, lao động, công tác, rèn luyện và chiến đấu. Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; khi đêm về thì đau đáu nỗi nhớ quê, tìm đến nhau, thông báo từng mẩu tin nơi quê nhà, rồi lặng im nhìn nhau, đong đầy niềm thương nhớ.
“Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của Nhân dân Thanh Hóa và Nhân dân miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết, đã coi Thanh Hóa, coi miền Bắc là quê hương thứ hai của mình, ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, đóng góp nhiều thành tích vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhiều cán bộ, thương binh, bệnh binh, con em miền Nam sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, lại tự nguyện làm đơn lên đường nhập ngũ, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội vào miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sau này đã trở thành những “hạt giống đỏ”, trở thành những cán bộ cốt cán, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; nhiều người công tác ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều người trở thành các tướng lĩnh quân đội, công an; trở thành nhà giáo, y bác sỹ, nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt... đã có những cống hiến, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà”- Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc”.
Biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào
Tại hội thảo khoa học “Thanh HÓa với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: 70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của Nhân dân miền Bắc, trong đó có Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên cơ sở tài liệu nghiên cứu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên nhấn mạnh: Việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển quân, tập kết hơn 15 vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam và hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự ra các địa phương miền Bắc năm 1954-1955 là kết quả của đường lối phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế của Đảng trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, thử thách; trở thành bài học quý về “ý Đảng, lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin cậy giao phó, vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa là hết sức quan trọng; Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo, huy động các cấp, các ngành, các địa phương, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt", chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất trong điều kiện địa phương còn gặp nhiều khó khăn để đón tiếp, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam trên địa bàn tỉnh. Những ngày tháng ấy, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đều hướng về Sầm Sơn, chào đón những người con thân yêu từ miền Nam ra miền Bắc, những đồng chí miền Bắc được trở về quê hương sau những năm tháng chiến đấu gian khổ ở miền Nam...
P.V
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/thanh-hoa-voi-dong-bao-can-bo-chien-si-va-hoc-sinh-mien-nam-tap-ket-ra-bac-70-nam-sau-nang-nghia-tinh-post1685554.tpo