Thanh khoản tăng mạnh, khối ngoại quay lại mua ròng

Thanh khoản tăng mạnh, khối ngoại quay lại mua ròng
4 giờ trướcBài gốc
VN-Index thoát đáy nhờ kéo trụ cuối phiên, nhưng cổ phiếu vẫn chìm trong sắc đỏ
Trong phiên chiều, áp lực bán gia tăng đáng kể, đặc biệt là vào khung thời gian từ 14h trở đi. Có thời điểm, chỉ số VN-Index rơi xuống đáy trong ngày, giảm 6,3 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên, lực kéo từ nhóm cổ phiếu trụ đã giúp chỉ số hồi phục thần tốc vào cuối phiên. Kết thúc giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 1,77 điểm lên 1.349,99 điểm.
Đáng chú ý, đợt kéo trụ diễn ra chủ yếu ở các mã vốn hóa lớn như VIC, VHM, BID và CTG. VIC từ mức giảm tới 2,2% hồi phục nhanh chóng và chốt phiên tại tham chiếu. VHM cũng thu hẹp đà giảm từ 2,48% còn 0,52%. CTG và BID đều quay lại vùng giá xanh, với BID tăng 0,83%. Đây chính là nhóm trụ có ảnh hưởng lớn giúp “giữ nhịp” chỉ số trong thời điểm nhạy cảm.
Tuy nhiên, sự phục hồi này không đủ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh ra toàn thị trường. VN30-Index vẫn giảm 1,4 điểm trong khi độ rộng thị trường thu hẹp đáng kể. Toàn sàn HoSE chỉ có 117 mã tăng giá so với 196 mã giảm, trong đó tới 97 mã giảm trên 1%, phản ánh mức độ tổn thương đáng kể.
Diễn biến bất ngờ nhất trong phiên là cổ phiếu VFS của CTCP Chứng khoán Nhất Việt. Cổ phiếu này rơi vào trạng thái trắng bên mua trong phần lớn phiên chiều và có lúc giảm kịch sàn về mức 22.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất 9,68%. Dù hồi phục nhẹ vào cuối phiên, đóng cửa tại 22.700 đồng/cổ phiếu, nhưng mức giảm vẫn còn 8,47%, gây chú ý mạnh trong giới đầu tư.
Đây là cú sốc không nhỏ đối với nhà đầu tư ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh nhóm chứng khoán nhìn chung biến động hẹp, tăng giảm đan xen, và không ghi nhận sự kiện tiêu cực cụ thể với VFS.
Một điểm đáng lưu ý là thanh khoản sàn HoSE phiên chiều tăng mạnh, gần 10% so với phiên sáng. Tổng giá trị giao dịch đạt 21.310 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự gia tăng này không phản ánh dòng tiền tích cực mới, mà chủ yếu đến từ áp lực bán chốt lời và cơ cấu lại danh mục.
Nhóm cổ phiếu midcap và smallcap chịu áp lực lớn. GEX giảm 1,07%, DIG mất 3,39%, VND giảm 2,33%, DXG lùi 1,48%, EIB giảm 1,31%... Thanh khoản của các mã này đều trên 200 tỷ đồng, cho thấy hoạt động bán ra khá mạnh từ phía nhà đầu tư trong nước.
Ngay cả nhóm ngân hàng, trụ cột thị trường cũng không thoát khỏi trạng thái phân hóa. Dù VCB, BID, TCB, MBB, HDB… giữ sắc xanh nhưng số lượng mã giảm vẫn gần bằng số tăng. Chỉ 4 mã ngân hàng tăng trên 1%, trong khi nhiều mã lình xình hoặc giảm nhẹ.
Điểm sáng hiếm hoi là hoạt động mua ròng trở lại của khối ngoại trong phiên chiều. Sau phiên sáng bán ròng hơn 800 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại giải ngân mạnh tay gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu vào các mã như SHVN, MSN, FPT, CTG, DBC, VCB… Tổng cộng phiên giao dịch ngày 01/07, khối ngoại mua ròng hơn 483 tỷ đồng, phản ánh kỳ vọng dài hạn với thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nâng hạng đang được nhắc đến nhiều.
Theo đánh giá từ CTCP Chứng khoán VnDirect, Việt Nam đang tiến rất gần tới tiêu chí được FTSE Russell nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Trong báo cáo mới đây, VnDirect kỳ vọng FTSE có thể công bố quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá vào tháng 9/2025. Đây là một thông tin có thể tạo cú hích tâm lý mạnh mẽ cho thị trường, nhất là trong bối cảnh dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.
Tuy nhiên, để nâng hạng thành công, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện một số điểm nghẽn như tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL), sự minh bạch trong giao dịch và khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư quốc tế. Những cải tiến gần đây từ phía Ủy ban Chứng khoán và các Sở giao dịch đang được đánh giá tích cực và góp phần thúc đẩy tiến trình này.
Phiên giao dịch ngày 01/07 dù kết phiên trong sắc xanh nhưng khó có thể gọi là phiên tích cực. Mặt bằng cổ phiếu vẫn giảm sâu, lực cầu chỉ tập trung ở một số mã trụ. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng và xu hướng giao dịch chọn lọc của dòng tiền ngắn hạn.
Trong bối cảnh kỳ vọng nâng hạng dần rõ ràng hơn, cùng với sự quay lại của dòng tiền ngoại, thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy mới với diễn biến phân hóa mạnh. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ dòng tiền và tập trung vào cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản ổn định và hưởng lợi từ sự cải thiện của môi trường đầu tư.
Phan Hà
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/thanh-khoan-tang-manh-khoi-ngoai-quay-lai-mua-rong-166651.html