Đông đảo người dân tập trung phía phố Ngọc Hà, xếp hàng để vào Lăng viếng Bác. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Sáng 18/5, từng đoàn xe tấp nập đổ về các tuyến phố gần Lăng Bác, nhiều người đã có mặt từ rất sớm để chờ đến giờ vào Lăng viếng Bác. Không khí trang nghiêm, xúc động bao trùm khu vực Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác. Dưới bóng cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh, từng đoàn người trật tự xếp hàng dài nối tiếp nhau, áo quần chỉnh tề, ánh mắt thành kính. Họ là học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, các đoàn thể chính trị - xã hội, khách quốc tế và đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Vào Lăng viếng Bác đã trở thành một nghi thức thiêng liêng với nhiều người dân Việt Nam mỗi dịp tháng Năm về. Trong dòng người ấy, có những cụ già, những cựu chiến binh, những em nhỏ theo cha mẹ lần đầu vào viếng. Tất cả đều rưng rưng xúc động như được gặp lại người thân yêu, ruột thịt trong gia đình.
“Vừa từ Sơn La xuống tối qua, 6 giờ sáng, tôi đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình để chờ vào Lăng viếng Bác. Đây là lần đầu tiên tôi được vào Lăng và đó là ước nguyện lớn nhất trong đời. Khi được nhìn thấy Bác an nghỉ, lòng tôi trào dâng xúc động, không kìm được nước mắt. Bác đã hy sinh cả cuộc đời vì dân tộc Việt Nam, tôi càng thêm biết ơn Bác. Chỉ mong mình còn đủ sức khỏe để một lần nữa được vào Lăng viếng Bác”, bà Vì Thị Duyên, huyện Phù Yên (Sơn La), chia sẻ trong xúc động.
Không chỉ người lớn tuổi, nhiều em nhỏ được cha mẹ đưa đi viếng Bác cũng lặng lẽ, nghiêm trang. Hơn 500 giáo viên, học sinh Trường Trung học cơ sở Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), với đồng phục cờ đỏ sao vàng, háo hức, hồi hộp trước giờ được vào Lăng viếng Bác.
“Cháu được nghe ông bà, bố mẹ kể nhiều về Bác Hồ nên rất mong được ra thăm Lăng Bác. Đây là lần đầu tiên cháu được vào Lăng viếng Bác nên cháu rất vui và hồi hộp”, em Nguyễn Hữu Minh Nhật, học sinh lớp 6A, Trường Trung học Cơ sở Phú Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) bày tỏ.
Đông đảo người dân và du khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 17/5. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Không chỉ tại Lăng Bác, những ngày này, khắp các con phố Hà Nội, không khí chào mừng Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tràn ngập sắc màu và niềm hân hoan. Cờ đỏ sao vàng, pa-nô, khẩu hiệu được trang hoàng rực rỡ từ khu phố cổ đến các trục đường chính như phố Huế, Hàng Bài, Tràng Tiền, Quang Trung, Nguyễn Thái Học, Kim Mã… Nhiều chương trình nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được tổ chức tại các điểm di tích, khu du lịch, trường học… ở Hà Nội, mang lại không khí tri ân trang trọng nhưng gần gũi.
Tại Trung tâm Điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội, Triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu” mang đến gần 40 tác phẩm, tư liệu nghệ thuật do các nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Thư họa Ngôi trường Cuộc sống, Sắc màu Tự nhiên sáng tác, cùng sự đồng hành của Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông và làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (Hải Dương), chuyển tải những giá trị thi ca và nhân văn cao đẹp của Người. Không gian nghệ thuật thanh tịnh, gần gũi đã trở thành điểm đến của nhiều gia đình, bạn trẻ trong dịp cuối tuần.
“Qua ngòi bút và nét vẽ của các nghệ sĩ, hình ảnh Bác hiện lên thật sống động. Bác không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất mà còn là một thi sĩ, với những vần thơ truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tin và nghị lực sống. Tôi mong nguồn cảm hứng sáng tác ấy sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng nghệ thuật” ,chị Nguyễn Thị Lài, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ sau khi tham quan triển lãm.
Tình cảm của nhân dân dành cho Bác Hồ không ồn ào, không phô trương, nhưng luôn bền chặt và không bao giờ phai mờ. “Những vần thơ của Bác thể hiện tâm tư sâu lắng, tình yêu quê hương, đất nước, đồng bào, cùng khát vọng về một dân tộc ấm no, hạnh phúc, đất nước mãi mãi phồn vinh. Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tham gia Triển lãm ‘Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu’ với hai tác phẩm thư pháp chuyển tải hai bài thơ Nắng sớm và Chiều tối của Bác. Cảm nhận được chiều sâu ý nghĩa trong từng câu chữ, tôi vô cùng xúc động và biết ơn Bác”, Thầy Thích Trung Pháp, Trụ trì chùa Linh Quang, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, chia sẻ.
Kỷ niệm Ngày sinh của Bác không chỉ là hoạt động chính trị - xã hội đơn thuần mà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng - nơi kết tinh lòng biết ơn, tình yêu quê hương và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Những năm gần đây, Hà Nội và nhiều địa phương đã không ngừng mở rộng các hoạt động giáo dục truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ phong trào “Làm theo Bác” trong cán bộ, công chức đến các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với tinh thần tự lực, tự cường, tư tưởng Hồ Chí Minh đang được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.
135 năm đã trôi qua kể từ ngày Người cất tiếng khóc chào đời giữa làng Sen yêu dấu, nhưng bóng dáng và tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hiện hữu trong từng nhịp sống, từng niềm tin, khát vọng của nhân dân Việt Nam. Mỗi nén hương dâng lên, mỗi bông hoa đặt xuống, mỗi ánh mắt ngước nhìn Lăng Bác là một lời hứa thầm lặng - rằng cả dân tộc sẽ tiếp bước con đường Người đã chọn, để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong mỏi.
Tuyết Mai (TTXVN)