Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban

Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban
14 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 288-NQ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Theo đó, Ban Chỉ đạo có 26 thành viên, trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Phó Trưởng Ban, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thành phần tham gia có đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan như ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương…
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật
Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng…
Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư. Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà.
Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả…
Do vậy, tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Bao gồm:
Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật;
Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển;
Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật;
Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế; Xây dựng giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật;
Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật…
Huệ Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/thanh-lap-ban-chi-dao-trung-uong-ve-hoan-thien-the-che-phap-luat-do-tong-bi-thu-to-lam-lam-truong-ban-post610643.antd