Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Nguồn: VGP.
Theo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Các ủy viên Hội đồng thẩm định gồm: Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng; ông Bùi Trọng Thế, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an; ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính; ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, ủy viên Hội đồng thẩm định cũng bao gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty điện lực TP Hà Nội, Tổng công ty điện lực miền Bắc, Tổng công ty điện lực miền Trung, Tổng công ty điện lực miền Nam, Tổng công ty điện lực TP HCM, Tổng Công ty khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Các chuyên gia phản biện là: Ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng - Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Ủy viên phản biện; ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Cũng theo quyết định nêu trên, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Công Thương.
Thành viên Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Chuẩn bị báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo quyết định phê duyệt.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (11/2/2025).
Nên phát triển không hạn chế điện gió gần bờ, điện mặt trời nổi
Liên quan đến các đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp ngày 10/2, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE) cho biết, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, cứ 1% GDP tăng trưởng thì cần có 1,2-1,5% tăng trưởng về công suất điện. Hiện những lĩnh vực mới như data center, xe điện, tàu điện đều cần rất nhiều năng lượng.
"Chúng ta đã có chương trình điện hạt nhân để chạy nền thay cho điện than, điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhưng năng lượng tái tạo phải góp phần quan trọng để chúng ta đạt Net Zero vào năm 2050. Cho nên tôi đề xuất phát triển không hạn chế điện gió gần bờ, điện mặt trời trên hồ trong quy hoạch điều chỉnh điện VIII"
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE)
Ngoài đề xuất về nguồn điện, Tổng giám đốc REE cũng phản ánh khó khăn nhất hiện nay trong phát triển năng lượng tái tạo là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TP HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng 3 năm vẫn chưa thông qua được.
Phản hồi về những đề xuất, kiến nghị của REE, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết theo Quy hoạch điện VIII, công suất nguồn điện đến 2030 gấp hai lần hiện nay theo hướng tăng năng lượng tái tạo, phát triển hợp lý điện khí, tối đa thủy điện, sinh khối để tạo nguồn điện nền. Tuy nhiên, định hướng này đều bám sát nhu cầu phụ tải của cả nước, từng vùng, không phải phát huy tối đa tiềm năng.
"Tiềm năng của Việt Nam về năng lượng tái tạo rất lớn nhưng nếu phát triển tối đa mà không căn cứ vào nhu cầu phụ tải sẽ khiến hàng loạt các vùng, địa phương làm xong lại 'đắp chiếu' vì không có nhu cầu," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.
Bộ trưởng Công Thương cũng thông tin, tới năm 2024, hệ thống điện Việt Nam có gần 17 GW điện mặt trời (cả mái nhà, tập trung) và trên 5 GW điện gió. Tại dự thảo về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đang lấy ý kiến, Bộ đã đề xuất giai đoạn đến 2030, cả nước đầu tư thêm hơn 34 GW điện mặt trời (mái nhà và tập trung), 6 GW điện gió trên bờ và gần bờ. Điện gió ngoài khơi chưa được phát triển trước 2030.
Về quy trình cấp phép, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, quy định hiện hành đã nêu rất rõ ràng về quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay, trừ các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Công Thương chỉ làm quy hoạch, kế hoạch, tham mưu xây dựng chính sách, thanh tra kiểm tra.
"Còn lại nhà đầu tư và chính quyền địa phương tự quyết định. Chúng tôi không gây khó khăn cản trở một dự án nào trong lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản," Bộ trưởng Diên khẳng định.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp được các doanh nghiệp quan tâm
Cũng tại hội nghị ngày 10/2, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings phản ánh Nghị định 80 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn đã được ban hành từ tháng 7/2024, nhưng vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn chi tiết, quy định cụ thể về các loại phí liên quan.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings nêu đề xuất tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ ngày 10/2. Nguồn: VGP.
Do đó, ông Lê Văn Kiểm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để Nghị định này nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp tiếp cận năng lượng sạch, nâng sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc REE Nguyễn Thị Mai Thanh đề nghị cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách về cơ chế hợp đồng mua bán điện (PPA), đặc biệt mua bán điện trực tiếp (DPPA). Bà Mai cho rằng cần có giá điện cho từng loại hình năng lượng để doanh nghiệp không cần đàm phán mất nhiều thời gian.
"Tôi nghĩ Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đủ kinh nghiệm để đưa ra mức giá phù hợp với điều kiện này," bà Mai Thanh nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ chế giá được quy định theo các Luật Giá và Luật Điện lực.
"Cụ thể, Luật Điện lực quy định Nhà nước ban hành khung giá. Việc này Bộ Công Thương đã và đang làm, hiện không còn loại hình nguồn điện nào không có giá.
Việc đàm phán là yêu cầu của Luật Giá bởi thị trường điện phải có sự cạnh tranh. Trong khung giá quy định, bên mua và bên bán phải đàm phán với nhau, nhưng cần rút ngắn thời gian lại. Chúng ta muốn cạnh tranh lành mạnh mà giờ lại muốn Nhà nước quy định là không đúng," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Thu Thảo
Theo thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ