Thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết

Thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân là rất cần thiết
2 giờ trướcBài gốc
Điều chúng ta dễ thống nhất là, vai trò của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng bởi vì ngành nghề đa dạng, từ thương mại, dịch vụ, đến các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao như tài chính, ngân hàng, bất động sản, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, du lịch sinh thái,v.v.. Thế nhưng, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân còn rất mỏng. Tỷ lệ các doanh nghiệp có tổ chức đảng còn rất thấp so với tổng số doanh nghiệp trong đơn vị kinh tế ngoài nhà nước, mới chỉ chiếm khoảng 2% (trong số hơn 800 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Do không có tổ chức đảng đã dẫn tới nhiều bất cập, nhất là việc thành lập các tổ chức đoàn thể như công đoàn, thanh niên, phụ nữ để bảo đảm quyền lợi chính trị, vật chất, tinh thần cho người lao động. Khi không có tổ chức đảng cũng dễ dẫn đến những diễn biến phức tạp về tư tưởng, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong điều kiện mạng xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhiều thông tin lan truyền không chính xác, thiếu những thông tin chính thống mang tính định hướng dư luận.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn phát biểu tại Chương trình Lễ phát động Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024.
Ở Tập đoàn Bảo Sơn có “sự may mắn” như lời Bí thư Nguyễn Trường Sơn. Đảng bộ hiện có 6 chi bộ với 60 đảng viên, nguồn phát triển đảng còn khá dồi dào. May mắn ở chỗ, doanh nghiệp tư nhân này được thành lập sau khi cổ phần hóa. Từ chi bộ có từ trước, đảng viên có từ trước trong một doanh nghiệp nhà nước, nay tham gia vào “binh đoàn” kinh tế tư nhân thì vẫn là chi bộ, đảng viên trước đây. Lúc đầu là chi bộ. Sau này tập đoàn phát triển, hoạt động đa ngành nghề, với những Thiên đường Bảo Sơn, với Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn... chi bộ ở đây trở thành đảng bộ, như một lẽ tự nhiên vậy. Để bảo đảm hoạt động tốt, một trong những nội dung và phương thức hoạt động quan trọng của Đảng bộ Bảo Sơn là cơ chế phối hợp giữa cấp ủy, bí thư cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp. Lấy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp làm mục tiêu để xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp. Tôn trọng và bảo đảm sự hoạt động độc lập trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng của mỗi doanh nghiệp.
Hỏi chuyện một số bí thư chi bộ, chúng tôi thấy các anh chị có những ý kiến rất thống nhất về vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Nói bài bản thì là có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, Thành ủy Hà Nội. Cách đây gần 20 năm, vào năm 1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Từ năm 2012, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội”.
Như vậy là, cái mà lâu nay chúng ta hay nói là nặng hay nhẹ đối với doanh nghiệp tư nhân phần lớn là do quan niệm và cách làm của cơ sở. Không phải là cấp trên không tạo điều kiện, mà chủ yếu là do cơ sở ngại ngần, không muốn thành lập chi bộ, hoặc có thành lập nhưng nặng về hình thức, hoạt động kém hiệu quả.
Thành công nổi bật của Đảng bộ Tập đoàn Bảo Sơn là đã góp phần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, có đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, trở thành một Đảng bộ trong sạch vững mạnh trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội. Trong công tác xây dựng Đảng, đã làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức, phát triển đảng, dân chủ, đoàn kết, nhiều ý kiến phản biện thẳng thắn, tâm huyết, trí tuệ khi bàn về các chủ trương lớn của đơn vị.
Một trong những chủ trương lớn ấy là tổ chức trao Giải thưởng Bảo Sơn. Đây là tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tiên trao Giải thưởng này (sau này có Giải thưởng VinFuture của Tập đoàn Vingroup). Qua việc tôn vinh các nhà khoa học, Giải thưởng góp phần quảng bá, phổ biến các công trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật hoặc sáng chế đã được ứng dụng trong thực tế, khuyến khích tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật và chuyển giao tri thức. Giải thưởng lần đầu được trao vào năm 2011 cho công trình: “Điều tra đánh giá, thống kê, quy hoạch các khu bảo tồn vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế, quốc gia”. Đến nay, Giải thưởng Bảo Sơn đã qua 5 mùa Giải, với mức giải thưởng tăng dần, hiện là 120.000 USD và dự kiến vào năm 2027 sẽ là một triệu USD.
Trao Giải thưởng Bảo Sơn là một chủ trương lớn, nếu không có sự thống nhất cao trong Đảng ủy và tập thể lãnh đạo thì rất khó huy động vốn, tổ chức thực hiện. Các ý kiến trong Đảng ủy Tập đoàn khẳng định: Giải thưởng chú trọng tôn vinh các công trình có giá trị thực tiễn cao, đã vận dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội. Không chỉ tôn vinh các tác giả trong nước mà cần vươn tới các nhà văn hóa, nhà khoa học là người nước ngoài. Mới đây một giáo sư người Nhật Bản đã ra cuốn sách: “Chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam”, nêu lên những cứ liệu và phân tích rất khoa học, có hệ thống, với quan điểm khách quan, toàn diện. Cuốn sách đã được quảng bá, giới thiệu để sắp tới Hội đồng Giải xem xét.
Qua đây thấy rõ một điều, vai trò của cấp ủy, của tổ chức đảng được thể hiện rõ mỗi khi xem xét, quyết định những chủ trương lớn, nhằm huy động trí tuệ tập thể, tìm ra những phương án tối ưu nhất, thu hút chất xám trong đơn vị và ngoài xã hội. Đảng ủy chủ trương, trong thời gian tới, tập trung quảng bá, xét tuyển, nâng cao uy tín của Giải, lan tỏa mạnh mẽ hơn ý nghĩa của giải thưởng trong giới khoa học và trong toàn xã hội. Đây cũng là đóng góp thiết thực của Tập đoàn trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực tế lãnh đạo ở Đảng bộ Tập đoàn Bảo Sơn còn minh chứng một điều, nơi đâu có tổ chức đảng mạnh thì ở đó tạo ra sự gắn kết giữa các tổ chức và cá nhân người lao động. Mỗi cá nhân phấn đấu vào Đảng không phải để lên chức, có quyền, mà là để khẳng định chuyên môn, năng lực và phẩm hạnh của mình. Tính tự giác, tự nguyện, gương mẫu làm tốt công việc được giao của người đảng viên ở đây thể hiện rất rõ, nhất là trong việc suy nghĩ, hiến kế đưa doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững và tạo ra không khí sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Nhiều đảng viên tốt để có chi bộ tốt. 6 chi bộ đảng trong Đảng bộ Tập đoàn Bảo Sơn hoạt động tốt đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp, các vấn đề bức xúc. Chi bộ thật sự là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động và chủ doanh nghiệp thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Một kinh nghiệm quý ở Đảng bộ Bảo Sơn là, tuyên truyền, giúp đỡ tạo điều kiện kết nạp cán bộ chủ chốt, chủ doanh nghiệp vào Đảng. Vẫn biết, phát triển đảng trong doanh nghiệp đã khó, thu hút được đội ngũ chủ doanh nghiệp vào Đảng càng khó hơn. Nhưng thực tế là minh chứng thuyết phục nhất. Nhiều chủ doanh nghiệp, cán bộ chủ chốt sau khi được kết nạp vào Đảng đều khẳng định, đứng vào hàng ngũ của Đảng không chỉ là niềm vinh dự, mà còn tạo vị thế, uy tín với các đối tác trên thị trường.
Hỏi chuyện một số cán bộ trẻ, họ nói một cách mộc mạc rằng, nếu như trong doanh nghiệp này không có tổ chức đảng thì chúng tôi không có ai quan tâm đánh giá và tạo điều kiện giúp mình tiến bộ. Khi ấy chúng tôi chỉ còn nghĩ đến mỗi một việc làm tốt công việc theo hợp đồng lao động và hưởng lương thôi.
Qua Bảo Sơn nhìn rộng ra, Nghị quyết của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp là rất đúng hướng. Cần tiếp tục tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; phát triển tổ chức đảng trong khu vực ngoài Nhà nước.
Hải Đường
Nguồn Xây Dựng Đảng : http://www.xaydungdang.org.vn/dien-dan/thanh-lap-to-chuc-dang-trong-doanh-nghiep-tu-nhan-la-rat-can-thiet-21770