Một số hiệp hội đã có văn bản gửi tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường phản ánh về những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là châu Âu (EU).
Xuất khẩu hồ tiêu, gia vị bị đình trệ
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho hay, hiện nay nhiều lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị đang bị đình trệ. Lý do là họ đang gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU.
Cụ thể, từ ngày 1-7, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định của Thông tư số 12/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44/2018, dẫn đến sự lúng túng và chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận.
Nhiều lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị đang bị đình trệ. Ảnh minh họa: VPSA
“Điều này đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính” - các doanh nghiệp cho biết.
Trước tình hình trên, cách đây ít ngày, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đã gửi kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề nghị xem xét và đưa ra giải pháp kịp thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp có thể thông quan hàng hóa. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư 12/2025 để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Hiệp hội cũng đề xuất tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan cấp tỉnh và doanh nghiệp để đảm bảo quy trình cấp giấy chứng nhận nhanh chóng và chính xác. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp tránh được rủi ro về hợp đồng, bảo vệ uy tín và giảm thiểu chi phí, thời gian cho các hoạt động xuất khẩu.
Xuất khẩu thanh long sang EU cũng đang vướng
Không riêng gì ngành hàng gia vị, thông tin với PLO, ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng), cho biết nhiều lô hàng thanh long xuất khẩu sang EU cũng đang gặp khó khăn vì chưa có đơn vị cấp chứng thư để xuất khẩu.
Theo ông Cảnh, trước đây, việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cấp chứng thư xuất khẩu qua thị trường châu Âu do các doanh nghiệp tự kiểm định hoặc thông qua các bên thứ ba.
Tuy nhiên, mới đây, phía thị trường châu Âu phát hiện một số lô hàng thanh long của Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên tiến hành kiểm tra và phát hiện quy trình cấp chứng thư bị sai. Cụ thể, thay vì chứng thư phải do cơ quan nhà nước Việt Nam cấp, nhưng lại để doanh nghiệp thực hiện. Do đó, phía châu Âu yêu cầu phải thực hiện lại quy trình.
Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Hiệp hội thanh long Bình Thuận
Trước tình hình trên, ngày 14-7, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ, đến nay, việc cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của châu Âu chưa được Bộ hướng dẫn cụ thể, nên không có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, đậu, bắp… qua thị trường châu Âu, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kiến nghị Bộ sớm ban hành quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của châu Âu để đơn vị có căn cứ pháp lý thực hiện.
Giải đáp về vấn đề này, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay, từ ngày 1-7, phía EU yêu cầu việc cấp chứng thư phải do cơ quan nhà nước cấp. Đây cũng là thời điểm Việt Nam triển khai thực thi chính quyền địa phương hai cấp. Trước đây, thủ tục này được thực hiện bởi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhưng từ 1-7, thủ tục này được phân cấp về địa phương.
Cục cũng đã có Công văn gửi về phía địa phương (cụ thể là TP.HCM) đề nghị triển khai việc cấp chứng thư. Tuy nhiên, phía địa phương cho biết, họ chỉ cấp chứng thư cấp giấy theo biểu mẫu của Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt trong khi khách hàng yêu cầu thực hiện theo mẫu của châu Âu. Do phía địa phương mới tiếp nhận việc này nên vẫn còn những lúng túng nhất định, Cục đang xem xét, sửa lại các văn bản hướng dẫn, cũng như phân vai rõ ràng giữa các bên.
AN HIỀN