Thanh niên dân tộc Mường làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thanh niên dân tộc Mường làm giàu trên mảnh đất quê hương
2 giờ trướcBài gốc
Điểm du lịch cộng đồng Khe Thạc của HTX Nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng Mỹ Lung có phong cảnh đẹp, không khí trong lành, thoáng đãng
Nằm nép mình giữa không gian mênh mông của núi rừng, điểm du lịch cộng đồng Khe Thạc ở khu 1, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập của anh Nguyễn Duy Nhất hiện ra bình dị, mộc mạc trong tiếng nước chảy róc rách của những con suối trong vắt. Dưới tiết trời se lạnh của mùa Thu, anh Nhất vừa nhanh tay pha chè đón khách, vừa chia sẻ: Trước khi bén duyên với du lịch cộng đồng, tôi đã từng làm nhiều công việc khác nhau. Sau những chuyến tham quan tại nhiều địa phương trên cả nước, tôi nhận thấy quê hương mình có rất nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Để du khách có thể nghe những thanh âm của núi rừng và cảm nhận cảm giác thư thái, bình yên, anh đã xây dựng các lán trại phục vụ ăn uống ngay bên dòng suối Khe Thạc, sau khi du khách tham quan và trải nghiệm bơi lội tại suối có thể thưởng thức các đặc sản dân dã, bình dị nhưng rất ngon miệng với nhiều món ăn hấp dẫn của người Mường như: Cá suối, thịt chua, lợn mẹt, thịt dê...
Anh Nhất cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các tour, tuyến du lịch đến những địa danh đẹp của tỉnh, đồng thời tích cực đăng tải các videoclip, hình ảnh về điểm du lịch cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội. Các video clip, hình ảnh được anh Nhất xây dựng chuyên nghiệp, hiện đại, nội dung phong phú, thu hút rất nhiều lượt xem và chia sẻ, từ đó, lượng khách đến tham quan và trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng ngày càng tăng. Đặc biệt là trong dịp mùa hè vừa qua, trung bình mỗi tuần điểm đón từ 10-15 đoàn khách tham quan.
Thời gian tới, anh Nhất sẽ sưu tầm các vật dụng truyền thống của dân tộc Mường như: Khung cửi, cối giã cạo, cọn nước... để trưng bày phục vụ khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống để tăng thêm trải nghiệm, giữ chân du khách và bán thêm các sản phẩm OCOP của địa phương như gạo nếp Gà Gáy, bánh trứng kiến, rượu nếp Gà Gáy, rượu men lá Thảo Xuân...
Anh Nguyễn Duy Nhất đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ việc quảng bá hình ảnh cho điểm du lịch cộng đồng Khe Thạc
Đồng chí Khúc Duy Hải - Bí thư Đoàn xã Mỹ Lung cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung nằm trong dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường của huyện Yên Lập. Mô hình phát triển kinh tế từ nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng của anh Nhất là một trong những mô hình tiêu biểu của thanh niên dân tộc thiểu số trong lập thân, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngoài làm du lịch cộng đồng, anh Nhất còn xây dựng trang trại nuôi 130 con dê thương phẩm và trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu với diện tích trên 35ha, trong đó trên 30ha trồng các loại cây lâm nghiệp như: Keo, bồ đề, quế... và gần 5ha trồng các loại cây dược liệu quý của người Mường như: Hoàng tinh trắng, xạ đen, khôi nhung, mạch môn... Để giúp cây dược liệu quý hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất, anh Nhất luôn đảm bảo yêu cầu về nước, nhiệt độ, ánh sáng và độ tơi xốp của đất, đồng thời chú trọng bón phân, phun thuốc định kỳ. Mỗi giống cây thuốc quý có công dụng làm thuốc và chữa bệnh khác nhau nên được các thương lái trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hầu hết sản phẩm cây thuốc của anh Nhất thu hoạch đến đâu đều được thu mua đến đó. Tổng doanh thu mỗi tháng của HTX đạt 70-80 triệu đồng.
Những tín hiệu vui ban đầu của HTX đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Nhất trong hướng đi phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa tốt đẹp. Đồng thời, lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ để đoàn viên thanh niên cùng nhau học tập, chung tay giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hà Trang
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/thanh-nien-dan-toc-muong-lam-giau-tren-manh-dat-que-huong-220532.htm