Thành phố 5.000 năm tuổi được phát hiện bên dưới sa mạc rộng lớn

Thành phố 5.000 năm tuổi được phát hiện bên dưới sa mạc rộng lớn
8 giờ trướcBài gốc
Trong nhiều thế kỷ, Rub' al-Khali, hay còn gọi là “Khu vực trống”, bị xem là một vùng đất hoang vu, khắc nghiệt, không có sự sống. Tuy nhiên, một bước ngoặt lớn đã xảy ra vào năm 2002, khi Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum - người cai trị Dubai - trong một chuyến bay qua sa mạc đã phát hiện những cồn cát có hình dạng lạ và một khối trầm tích đen bất thường. Phát hiện đó đã dẫn đến việc khai quật di chỉ Saruq Al-Hadid, nơi sau này được xác định là trung tâm luyện kim với các dấu vết của hoạt động luyện đồng và sắt, thuộc về một nền văn minh đã mất tồn tại cách đây 5.000 năm.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy dấu tích của xã hội cổ đại này ở độ sâu khoảng 10 feet dưới bề mặt sa mạc, bị chôn vùi bởi thời gian và những cồn cát dịch chuyển liên tục của vùng Rub' al-Khali, nơi có diện tích lên đến hơn 250.000 dặm vuông. Phát hiện này thổi bùng trở lại truyền thuyết về “Atlantis của cát” - thành phố huyền thoại Ubar, từng bị chôn vùi sau một thảm họa, có thể là thiên tai hoặc như một số truyền thuyết kể lại, là sự trừng phạt của các vị thần. T.E. Lawrence - sĩ quan và nhà văn Anh nổi tiếng qua vai trò trong cuộc nổi dậy Ả Rập thời Thế chiến thứ nhất - từng gọi Ubar là “Atlantis của sa mạc” và mô tả nơi này là thành phố “có của cải vô hạn, bị Chúa phá hủy vì sự kiêu ngạo, bị cát nuốt chửng mãi mãi”.
Ngày nay, khoa học hiện đại đang dần tiếp cận với huyền thoại cổ xưa đó. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Khalifa ở Abu Dhabi đã sử dụng công nghệ Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để thâm nhập lớp cát dày của sa mạc mà không cần khai quật. SAR hoạt động bằng cách phát ra xung năng lượng và đo mức phản xạ trở lại, từ đó tạo ra hình ảnh chi tiết bên dưới bề mặt. Kết hợp với hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao, radar đã xác định được các công trình bị chôn vùi, đồ tạo tác bằng kim loại và xương động vật – những dấu tích cho thấy đây từng là khu vực sinh sống và chôn cất quan trọng của một xã hội cổ.
Trong nhiều thế kỷ, sa mạc Rub' al-Khali (hình ảnh) ở Bán đảo Ả Rập - được gọi là Khu vực trống - bị coi là một biển cát vô hồn. Nhưng giờ đây, nó đang tiết lộ một bí mật đáng kinh ngạc
Dữ liệu từ radar được phân tích bằng thuật toán học máy tiên tiến, giúp nhận diện các mẫu hình và cấu trúc có thể liên quan đến hoạt động của con người cổ đại. Tiến sĩ Diana Francis, Trưởng phòng Khoa học Môi trường và Địa vật lý (ENGEOS) của Đại học Khalifa, cho biết việc khảo sát trên mặt đất tại các khu vực sa mạc như UAE gặp vô vàn khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. “Chúng tôi cần thiết bị có thể nhìn xuyên dưới cát. Hình ảnh vệ tinh và công nghệ cảm biến từ xa là chìa khóa,” bà nói.
Các phát hiện mới chỉ ra rằng một xã hội phức tạp, có tổ chức đã từng tồn tại ở đây hàng ngàn năm trước. Nhiều khu định cư và hệ thống đường bộ chưa từng được biết đến trước đó đã được xác định, củng cố bằng các tầng đất với dấu tích nền đá, cồn cát, mảng thạch cao cùng các hiện vật và xương động vật phân bố rộng khắp.
Sự kết hợp giữa công nghệ SAR và trí tuệ nhân tạo đang mở ra kỷ nguyên mới cho khảo cổ học, đặc biệt tại các địa hình khắc nghiệt nơi việc khai quật truyền thống gần như bất khả thi. Nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu điển hình về di chỉ Saruq Al-Hadid minh họa tiềm năng của các công nghệ này trong việc tăng cường khảo sát khảo cổ học và góp phần vào nỗ lực bảo tồn di sản.”
Để xác thực dữ liệu từ vệ tinh và radar, các nhà nghiên cứu đã so sánh chúng với hồ sơ khảo cổ học hiện có, đồng thời tiến hành khảo sát thực địa. Độ chính xác của kết quả đã thuyết phục Dubai Culture - cơ quan chính phủ quản lý di chỉ - phê duyệt việc khai quật tại các khu vực vừa được xác định.
Tiến sĩ Francis cho biết: “Những khu vực này phần lớn vẫn chưa được khám phá, nhưng chúng tôi biết rằng chúng chứa đựng lịch sử văn hóa.” Dù hiện nay vẫn còn nhiều điều chưa rõ về những cư dân sinh sống tại đây cách đây 5.000 năm, nhưng phát hiện này đã làm thay đổi cái nhìn về các nền văn minh sơ khai ở bán đảo Ả Rập.
Sa mạc Ả Rập đã có dấu tích người sinh sống từ thời kỳ Pleistocene, với các công cụ thời kỳ đồ đá cũ và đồ đá mới được phát hiện ở khu vực phía tây nam Rub' al-Khali. Những người du mục Bedouin sau này đã thích nghi với môi trường sa mạc, phát triển văn hóa kể chuyện, chăn nuôi lạc đà và trồng chà là - thể hiện khả năng sinh tồn kiên cường của cư dân nơi đây.
Dù hiện tại khu vực này vô cùng khô hạn, các bằng chứng địa chất cho thấy từ 6.000 đến 5.000 năm trước, khí hậu ở đây ẩm hơn, với các trận mưa lớn tạo ra những hồ nước nông. Những hồ này từng là nơi sinh sống của nhiều hệ sinh thái phong phú, bao gồm thực vật, động vật và tảo - những dấu hiệu quý giá để khôi phục bức tranh toàn cảnh về cuộc sống cổ đại tại nơi từng được coi là không thể cư trú.
Giờ đây, với mỗi lớp cát được bóc tách bởi khoa học, “Khu vực trống” Rub' al-Khali đang chứng minh rằng nó chưa bao giờ thực sự trống rỗng.
Bảo Ngọc (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/thanh-pho-5-000-nam-tuoi-duoc-phat-hien-ben-duoi-sa-mac-rong-lon/20250523022742978