Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh

Thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp thích ứng với tốc độ già hóa dân số nhanh
2 ngày trướcBài gốc
Đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy mô dân số thành phố tính đến cuối năm 2024 là 9.521.886 người; tổng tỷ suất sinh năm 2024 là 1,39 con, thấp hơn rất nhiều so với mức 1,91 con của cả nước.
Thống kê từ năm 2000 đến nay cho thấy, tổng tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm (năm 2000 là 1,76 so với năm 2023 là 1,32). Thành phố hiện đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, đây là thời kỳ mang lại nhiều cơ hội, giúp phát triển kinh tế, gia tăng sự đóng góp của lao động trong quá trình phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao.
Tuy nhiên số người cao tuổi tại thành phố đứng thứ hai cả nước, khiến thành phố phải đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh “Già hóa dân số”. Người cao tuổi tại thành phố đang tăng rất nhanh. Năm 2017, Thành phố chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số, muộn hơn so với cả nước 6 năm (tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên đạt 10,28%) nhưng tốc độ già hóa lại diễn ra rất nhanh. Tính đến năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi đã tăng lên 11,87%, với tổng số hơn 1,1 triệu người.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng y tế, xã hội nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng gia tăng nhanh này. Bên cạnh đó, tỷ suất sinh của thành phố hiện ở mức rất thấp nếu kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như: quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
Trước thực tế này, thành phố kiến nghị Trung ương cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách dành cho người cao tuổi đặt trong mối tương quan phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, đặc biệt là người có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, nhất là bảo hiểm tuổi già tự nguyện, có chính sách hỗ trợ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào dịch vụ nhà dưỡng lão.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Xã hội nhấn mạnh, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất cả nước và cần có các giải pháp về thích ứng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách dành cho người cao tuổi đặt trong mối tương quan phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Thành phố cần tận dụng thời cơ dân số vàng, tăng cường chuyển đổi kết nối dữ liệu của các cơ sở khám chữa bệnh để tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.
VƯƠNG LÊ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-can-co-giai-phap-thich-ung-voi-toc-do-gia-hoa-dan-so-nhanh-post869327.html