Hệ thống hạ tầng giao thông tại thành phố Thủ Đức đang được Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Sáng 6/2, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào thành phố Thủ Đức.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 22/1/2025, thành phố Thủ Đức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 tại Quyết định số 202/QĐ-TTg. Đây là kết quả của hơn 3 năm lao động, làm việc không ngừng nghỉ của toàn thể hệ thống chính trị thành phố Thủ Đức và Liên danh tư vấn Quốc tế (Sasaki-Encity-VIUP) cùng sự hỗ trợ của các Sở ngành Thành phố, sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cũng như sự góp ý, phản biện từ các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 tại Quyết định số 1538/QĐ-TTg ngày 16/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị sáng 6/2.
Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa và là trung tâm phía Đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. Vì vậy, việc quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 được phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố; là cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng phát triển không gian, tổ chức hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, quy hoạch sử dụng đất… nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2040 đưa thành phố Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
Các đại biểu tham quan các đề án quy hoạch của thành phố Thủ Đức tại hội nghị sáng 6/2.
Theo đó, không gian thành phố Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển gắn với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng lợi thế riêng đã được nghiên cứu, phản biện hết sức khoa học, trí tuệ và trách nhiệm sẽ phát huy tối đa giá trị của mỗi phân vùng, làm động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, kiến tạo cơ hội việc làm, cung cấp tiện ích xã hội chất lượng cao cho người dân, trong đó các trọng điểm phát triển cũng là những trung tâm đổi mới, sáng tạo để hình thành nền kinh tế tri thức; phát triển theo xu hướng đô thị thông minh.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức mong muốn các nhà đầu tư đầu tư vào thành phố Thủ Đức.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, hiện nay, thành phố Thủ Đức có khoảng 1,8 triệu người, đến năm 2040 có khoảng 2,6 triệu người và sau năm 2040 khoảng 3 triệu người. Việc quy hoạch chung thành phố Thủ Đức sẽ tác động tích cực sâu rộng đến nhiều mặt của thành phố Thủ Đức từ công tác quản lý điều hành của cấp chính quyền cũng như hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Những tác động này sẽ mở ra nhiều hướng phát triển mới nhờ vào tính kết nối và đồng bộ thông qua 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 từ quy hoạch chung được duyệt, từ đó sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng và các nhu cầu chính đáng khác cho người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều không gian mới như: phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối tại thành phố Thủ Đức với phần còn lại của Thành phố Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại; phát triển đô thị theo theo định hướng gắn với giao thông công cộng (TOD); phát triển nhiều tuyến đường mới, có tính kết nối liên vùng như tuyến đường nối Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Nút giao Vành đai 3 - Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến nối đường Vành đai 2 vào cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành...
Thành phố Thủ Đức là cửa ngõ phía Đông của TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, không gian đô thị được quy hoạch lấy không gian cây xanh, mặt nước làm trung tâm, tổ chức hệ thống sông, kênh rạch (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, rạch Chiếc, rạch Trau Trảu, rạch Gò Công, rạch Ông Nhiêu…) gắn kết với hệ thống công viên cây xanh sử dụng công cộng, hình thành nên khung cấu trúc không gian đặc sắc, đồng thời có vai trò là các hành lang trữ và thoát nước.
Thành phố Thủ Đức sẽ tăng diện tích đất cho công trình giáo dục cấp đô thị lên gần 5 lần, tăng diện tích đất cho các cơ sở y tế cấp đô thị lên hơn 10 lần, tăng diện tích đất cho các công trình văn hóa và thể dục thể thao cấp đô thị lên khoảng 3 lần, trong đó gồm khu Liên hợp thể thao quốc gia tại khu vực Rạch Chiếc cũng như diện tích công viên cây xanh sẽ đạt 1.800 ha.
Không gian đô thị thành phố Thủ Đức được quy hoạch lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm.
Tại hội nghị, ban tổ chức cũng giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế và các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc kêu gọi thu hút đầu tư nhằm mục tiêu sẽ hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện của khu vực trong tương lai, nơi mà các nhà đầu tư sẽ luôn tìm thấy những cơ hội sáng tạo và lợi ích dài hạn. Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ quan tâm và cùng chung tay phát triển thành phố Thủ Đức, biến những mục tiêu và chiến lược quy hoạch trở thành hiện thực.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức