Được hỗ trợ nguồn vốn phát triển kinh tế, gia đình anh Nguyễn Văn Chung, xã Yên Sơn đã đầu tư nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2021 đến nay, huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS và miền núi. Toàn huyện đã có 81 công trình được bố trí nguồn vốn, trong đó có: 31 công trình giao thông, 29 công trình trường học, 1 công trình thủy lợi, 1 công trình y tế, 17 công trình văn hóa, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung, 1 dự án sắp xếp bố trí ổn định dân cư.
Từ nguồn vốn chương trình, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng DTTS đã từng bước được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, 100% các xã trong toàn huyện có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,6%, số hộ nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5% trở lên; 100% xã có đông đồng bào DTTS có trường học, trạm y tế kiên cố; giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; nhiều học sinh người DTTS vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt nhiều thành tích cao. Hằng năm có hàng chục nghìn người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng các dịch vụ y tế trong khám, chữa bệnh.
Là 1 trong 63 thôn bản ĐBKK của huyện, trước đây bản người Dao Sinh Tàn, xã Thượng Cửu như một ốc đảo giữa núi rừng đại ngàn bởi vì không có đường, không điện, không nước sinh hoạt. Mỗi lần phải xuống xã, người dân phải phải chằng xích quanh lốp xe máy. Cuộc sống của người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi nông sản bị ép giá. Nhờ có các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi, “ốc đảo” khi xưa giờ đã sáng ánh điện, đường bê tông từ trung tâm xã vào tận khu, những ngôi nhà khang trang, kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều. Khu chỉ còn vài hộ nghèo; gần 1⁄2 số hộ trong khu đã xây được nhà kiên cố.
Ông Đặng Văn Nội, Trưởng khu Sinh Tàn vui vẻ cho biết: Nhờ có sự quan tâm của các cấp, cuộc sống của người dân bản Sinh Tàn đã được thay đổi. Những năm gần đây, Sinh Tàn đã phát triển rất nhanh. Thu nhập bình quân từ làm lâm nghiệp trung bình của các hộ cũng đạt đến 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng, chương trình còn hỗ trợ nguồn vốn xây mới nhà ở cho các hộ DTTS nghèo. Từ năm 2021 đến nay, huyện Thanh Sơn đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ xây mới nhà ở cho 62 hộ DTTS nghèo. Việc hỗ trợ xây nhà mới cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi đã tạo cơ hội cho họ an cư, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Để hỗ trợ người dân vùng DTTS và miền núi thoát nghèo, ngoài khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, các nguồn vốn chính sách hỗ trợ người nghèo được huyện thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Từ nguồn vốn hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo DTTS, gia đình bà Đinh Thị Thị ở khu Ngán xã Khả Cửu đã xây được nhà mới khang trang
Đồng chí Nguyễn Quang Hải, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thanh Sơn cho biết: Nhằm tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững, huyện đã thực hiện việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện huyện có 848 người đi lao động tại nước ngoài, số lao động được đào tạo trung bình 1.100 lao đồng/năm, trong đó có 669 là người DTTS, nâng tổng số lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn đạt 27,3%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94%.
Với những giải pháp hữu hiệu chăm lo cho đời sống bà con vùng DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã giảm qua các năm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Chi Hương