Theo quyết định thanh tra, thời kỳ thanh tra 2 dự án từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2024; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Thời hạn thanh tra là 40 ngày làm việc (không kể chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Đoàn thanh tra có 11 thành viên, trong đó, ông Ngô Đình Long (Phó Vụ trưởng Vụ III của Thanh tra Chính phủ) làm Trưởng đoàn. Kết luận thanh tra 2 dự án bệnh viện có trước ngày 31-3.
Đại diện đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra
Trước đó, chiều 31-12-2024, tại cuộc họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu có kết luận thanh tra với 2 dự án bệnh viện trên trước ngày 31-3-2025 và triển khai ngay các biện pháp để đưa 2 bệnh viện vào hoạt động, không thể để kéo dài hơn nữa. 2 dự án bệnh viện trên đã được Nhà nước đầu tư hơn chục năm, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng, là điển hình về tình trạng lãng phí.
Từ cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức được khởi công xây dựng tại TP Phủ Lý (Hà Nam), với kỳ vọng sẽ là 2 bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay.
Theo dự kiến, giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 2-2016 với việc đưa Khoa Khám bệnh ngoại trú 200 giường bệnh đi vào hoạt động. Đến cuối năm 2017 đưa vào sử dụng toàn bộ 2 bệnh viện, quy mô 1.000 giường bệnh/bệnh viện, tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở khoảng hơn 4.500 tỷ đồng.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa đưa vào sử dụng
Sau 4 năm xây dựng, tháng 10-2018, khu khám bệnh của cả 2 cơ sở này được khánh thành. Tuy nhiên, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đưa vào sử dụng từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2020, rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ tạm dừng ở cắt băng khánh thành, chưa tiếp nhận bệnh nhân.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 9-11-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu trong 6 tháng tới phải hoàn thành đưa vào sử dụng 2 bệnh viện này.