Thanh tra Chính phủ công bố nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều

Thanh tra Chính phủ công bố nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều
4 giờ trướcBài gốc
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT và một số tỉnh có biểu hiện chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý
Theo kết luận thanh tra, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực để sửa chữa đê điều, tăng cường hệ thống thủy lợi… nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý vẫn còn những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm. Trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai nhưng “có lúc, có nơi chưa thấy rõ trách nhiệm, có biểu hiện chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý…”.
Trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ nêu rõ Bộ NN&PTNT lập, phê duyệt mới bảy quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền với giai đoạn quy hoạch là 12 năm, vượt hai năm, thực hiện không đúng quy định của Luật Thủy lợi. Quá trình lập quy hoạch chưa lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT.
Công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: CHÂU ANH
Có 3/7 quy hoạch thủy lợi, gồm quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, lưu vực sông Cầu - Thương, có thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài trong bốn năm, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.
Có 2/7 quy hoạch nội dung chưa thể hiện cho từng thời kỳ 5 năm; 4/7 quy hoạch thủy lợi không phù hợp theo đề cương nhiệm vụ và quyết định giao nhiệm vụ lập quy hoạch. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung ba quy hoạch thủy lợi không đúng thẩm quyền.
Đối với một số địa phương, kết luận thanh tra cũng cho biết tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau chưa lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi tỉnh theo quy định tại Quyết định 1397/QĐ-TTg dẫn đến tỉnh Cà Mau thiếu cơ sở để quản lý thủy lợi trong giai đoạn 2018-2023 và trước đó.
UBND tỉnh Đồng Tháp sau khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi nhưng không tổ chức công bố công khai các nội dung quy hoạch đã điều chỉnh trong suốt thời kỳ quy hoạch.
“Từ việc Bộ NN&PTNT, UBND một số tỉnh thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thủy lợi như trên dẫn đến thiếu cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế.
Do giai đoạn của quy hoạch và giai đoạn của kế hoạch phát triển kinh tế không phù hợp nhau, thiếu cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp” - kết luận thanh tra chỉ rõ.
Suốt 12 năm, nhiều địa phương không lập, trình phê duyệt, quy hoạch phòng, chống lũ
Đối với công tác quản lý nhà nước về đê điều, kết luận thanh tra cũng chỉ ra các vi phạm. Theo đó, Luật Đê điều năm 2006 có hiệu lực từ 1-7-2007 nhưng đến ngày 1-1-2019 vẫn còn 19/25 tỉnh chưa kịp rà soát, lập/điều chỉnh, trình phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê (trong đó có Thái Bình, Đồng Tháp, Bắc Ninh, Hà Nội); 21/25 tỉnh chưa rà soát, điều chỉnh/lập, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch đê điều.
Bộ NN&PTNT chậm hướng dẫn, chỉ đạo và UBND TP Hà Nội chậm trễ thực hiện ý kiến của Bộ NN&PTNT, thực hiện không đúng quy định của Luật Đê điều 2006 dẫn đến quy hoạch đê điều của TP Hà Nội chưa được Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Giai đoạn sau ngày 1-1-2019, có thêm năm tỉnh được Bộ NN&PTNT phê duyệt phân cấp đê, nâng số tỉnh phải xây dựng quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều thành 30 tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn 24/30 tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê và 26/30 tỉnh chưa lập, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch đê điều.
Khu vực đê thuộc Dự án KĐT Bắc sông Cấm. Ảnh: NGỌC SƠN
Thanh tra Chính phủ cho biết theo Luật Quy hoạch 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch thì từ ngày 1-1-2019, các tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều sẽ phải lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt. Tuy vậy, đến 31-12-2023 vẫn còn 9/50 tỉnh chưa được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Từ việc UBND một số tỉnh chậm lập, trình phê duyệt, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều như trên dẫn đến thiếu cơ sở để quản lý đầu tư, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều; thiếu cơ sở để xây dựng quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất bãi sông; thiếu cơ sở xây dựng kế hoạch, kinh phí cho di dời các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều…
“Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh nêu trên, trong đó có Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Tháp, Cà Mau…” - kết luận thanh tra nêu rõ.
Sẽ tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan trong quý 1-2025
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT căn cứ kết luận thanh tra tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ có liên quan.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các tỉnh, TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên… tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh, TP có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm.
Tại buổi công bố kết luận thanh tra tại Thanh tra Chính phủ ngày 18-12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ nhất trí với toàn bộ nội dung kết luận thanh tra.
Ông Hiệp cho biết những vấn đề Đoàn thanh tra kiến nghị các bộ, ngành trong đó có Bộ NN&PTNT cần phải làm ngay. Căn cứ Kết luận thanh tra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ dự thảo kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra.
Dự kiến trong quý 1-2025 sẽ tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan quan. Đối với các biện pháp khắc phục về thể chế cho phép Bộ kéo dài hơn các nội dung khác vì sắp tới sáp nhập các đơn vị nên các văn bản, quy phạm pháp luật sẽ có những thay đổi.
AN HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/thanh-tra-chinh-phu-cong-bo-nhieu-vi-pham-trong-quan-ly-nha-nuoc-ve-thuy-loi-de-dieu-post825707.html