Chậm ban hành các quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ
Theo quy định tại luật Phòng, chống thiên tai, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, bao gồm quỹ Trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý và quỹ cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.
Nguồn tài chính của quỹ Trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ quỹ cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Nguồn tài chính của quỹ cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; điều tiết từ quỹ Trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.
Kết luận thanh tra cho thấy, từ năm 2018 - 2023, tổng thu quỹ là hơn 5.801 tỷ đồng, tổng chi hơn 3.661 tỷ đồng, còn dư hơn 2.168 tỷ đồng.
Tháng 8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2021 về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lại chậm ban hành các quy định, quy chế về tổ chức, hoạt động của quỹ Trung ương nên chưa thực hiện được việc điều tiết từ quỹ địa phương về quỹ Trung ương.
Bộ NN&PTNT cũng chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề về công tác xây dựng kế hoạch thu, chi và quản lý sử dụng quỹ. Điều này chưa đảm bảo kịp thời, đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 78/2021.
Ngoài Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương cũng có bất cập trong việc quản lý quỹ. Điển hình là Đồng Tháp, UBND tỉnh này chưa kịp thời xây dựng và ban hành kế hoạch thu, chi quỹ, công tác quyết toán thu, chi quỹ hàng năm chậm so với thời gian quy định.
Tương tự, UBND tỉnh Cà Mau chưa thành lập hội đồng quản lý, ban kiểm soát và quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ theo quy định, dẫn đến việc thu quỹ đạt kết quả thấp.
Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Bộ NN&PTNT
Vẫn theo kết luận thanh tra, luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ năm 2014 nhưng phải đến cuối năm 2017, Bộ NN&PTNT mới có tờ trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2020, và đến giữa năm 2018 mới có văn bản về việc hoàn chỉnh hồ sơ kế hoạch này.
8 lần thanh tra vẫn không ra vi phạm
Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT được giao nhiệm vụ "hàng năm, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia". Tuy nhiên, cơ quan này không ban hành bộ chỉ số và khung theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch (giai đoạn 2016 - 2020) làm cơ sở để các Bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện.
Năm 2022, Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025. Bộ NN&PTNT tiếp tục chậm xây dựng, ban hành bộ chỉ số và khung theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch kế hoạch phòng, chống thiên tai (giai đoạn 2021 - 2025); chưa rà soát, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch và đề xuất điều chỉnh kế hoạch…
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, không chỉ Bộ NN&PTNT mà nhiều địa phương cũng chậm xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai 5 năm và điều chỉnh hàng năm. Kế hoạch của một số tỉnh thành chưa xác định, đánh giá rủi ro thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường gặp; một số dự án theo kế hoạch chậm triển khai hoặc không thực hiện…
Những tồn tại, vi phạm trong quản lý Nhà nước về phòng, chống thiên tai là không ít. Trong đó có một nghịch lý được Thanh tra Chính phủ chỉ ra: Giai đoạn 2018 - 2023, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đã tiến hành 8 cuộc thanh tra, kiểm tra, thế nhưng, các tồn tại, vi phạm đã nêu "chưa được phát hiện, xử lý kịp thời".
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ NN&PTNT tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 78/2021. Từ đó nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thu quỹ; cơ chế hỗ trợ quỹ cấp tỉnh cho các địa phương khác; cơ cấu tổ chức quản lý quỹ theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chi phí quản lý, điều hành hoạt động của quỹ cấp tỉnh...
Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm được nêu tại kết luận.
Tuyết Nhung