Cựu TNXP Trương Thị Nga, Đơn vị C2371-N237 Ban xây dựng 67 Trường Sơn và đồng đội gặp nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời khói lửa.
Bà Nguyễn Thị Sáu, cựu TNXP C2931, N293-P31, xúc động kể: "Đã nhiều lần về thăm chiến trường xưa, lần nào trong tôi cũng dâng trào cảm xúc nhớ thương đồng đội đã ngã xuống. Dù cảnh vật đã thay đổi nhiều, nhưng tôi luôn cảm nhận được hơi ấm tình đồng đội vẫn như những tháng ngày gian khổ sống bên nhau trong bom rơi, lửa đạn.
Tháng 6/1972, tôi có mặt trong đội hình 500 TNXP nhập ngũ của N293-P31 thực hiện nhiệm vụ chi viện cho tuyến vận tải huyết mạch đường Trường Sơn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình, phục vụ cho tiền tuyến lớn miền Nam. N293-P31 gồm có 3 đại đội lấy quân số của các huyện, gồm: C2931 (Hoằng Hóa), C2932 (Triệu Sơn); C2933 (Đông Sơn). 19h ngày 6/10/1972 tại phà Roòn, Đèo Ngang, máy bay Mỹ ném bom, đoàn xe chở lương thực và quân trang bị bốc cháy. Chúng tôi vừa cứu hàng vừa san lấp hố bom suốt đêm. Trời vừa sáng, máy bay Mỹ lại ném bom đợt hai làm 35 đồng chí bị thương và 2 đồng chí quê xã Hoằng Sơn và Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) hy sinh. Chúng tôi về lán trại cũng bị trúng bom không còn dấu tích, vật dụng gì. Có lần, đội đang san lấp hố bom tại ngầm 65 thì máy bay Mỹ ném bom làm bị thương 24 chiến sĩ và hy sinh một đồng chí của C2933... Khi máy bay Mỹ ném bom, tất cả phải lao ra để làm nhiệm vụ chứ không được xuống hầm trú ẩn. Đến 8h sáng ngày 10/12/1972 máy bay Mỹ lại thả bom B52 dọc tuyến đường 22A... làm bị thương 31 đồng chí...".
"Trong suốt nhiệm kỳ TNXP, chúng tôi làm nhiệm vụ tại tuyến đường 22A, 22B, Quốc lộ 1A và đường 15A, 15B, 20 Quyết thắng... Để phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, chúng tôi luôn phải đối mặt với cái chết trong từng giây, từng phút và sẵn sàng chịu trận khi máy bay địch đột ngột ào tới trút bom rồi tháo chạy, khiến mặt đất rung lên, khói lửa che khắp bầu trời. Có lúc thần kinh căng thẳng đến lạnh gáy, toát mồ hôi nhưng mãi cũng quen và trở thành công việc hàng ngày” - bà Sáu cho biết thêm.
“Chia lửa” với chiến trường miền Nam, bà Sáu cũng như bao cựu TNXP đã không sợ gian khổ, thiếu thốn và nguy hiểm. Thanh xuân của các cô là đối diện với cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng kiêu hãnh vô cùng vì được phụng sự Tổ quốc. Nhiều đồng đội của bà đã vĩnh viễn nằm lại trên các tuyến đường Trường Sơn huyền thoại ở tuổi đôi mươi rực rỡ nhất đời người. May mắn trở về địa phương và hiện nay đang làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Thanh Hóa, bà cùng với đồng đội luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác nghĩa tình đồng đội, tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho TNXP và đặc biệt là kết nối với nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà, phụng dưỡng suốt đời những nữ cựu TNXP đơn thân, khó khăn tham gia mở đường Trường Sơn.
Hơn 17 tuổi, bà Trương Thị Nga (tiểu khu Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa, nay ở phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) đã trốn gia đình đi TNXP, mặc dù gia đình đã có 2 người vào quân đội. Bà Nga cho biết: "Tôi nhập ngũ vào Đơn vị C2371-N237 Ban xây dựng 67 Trường Sơn. Những năm 1970 - 1972, Mỹ ném bom napan cháy rụi rừng, máy bay lượn ngày đêm... nhưng chúng tôi vẫn hành quân an toàn vào Quảng Bình. Hồi đó, tôi làm nhiệm vụ hậu cần, làm “anh nuôi”, gùi hàng... Cân nặng của tôi chỉ khoảng 30kg, nhưng gùi hàng tới 40 - 50kg trên vai. Có lần gặp máy bay địch phải trú ẩn, mặc cho chúng rà soát, ném bom thăm dò rất ác liệt. Nhiều lần chứng kiến đồng đội bị trúng bom, bom găm vào bụng, máu chảy thành dòng mà không cầm được nước mắt. Nhớ lại hình ảnh đó, tôi và đồng đội nghĩ rằng chỉ có ý chí sắt đá, khát vọng hòa bình và sự dũng cảm đã giúp chúng tôi vượt qua”.
Gian khổ, hiểm nguy là thế, nhưng bà Nga và đồng đội luôn tự hào: “Thanh xuân đẹp nhất trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là những tháng ngày được sống bên nhau, cùng nhau làm nhiệm vụ trong gian khổ nhưng đầy tự hào vì lý tưởng cao cả của thanh niên được hy sinh cho Tổ quốc”.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ, cựu TNXP, lính Trường Sơn... là một câu chuyện đẹp. Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa. Có biết bao đồng đội đang nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn và những người may mắn trở về được sống trong hòa bình đã không quên những năm tháng oanh liệt đó và vẫn tiếp tục viết tiếp truyền thống của TNXP, Bộ đội Cụ Hồ.
Đó là cựu TNXP Phạm Thị Kén ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa). Bà Kén gắn bó máu thịt với đường Trường Sơn tại tỉnh Quảng Bình nhiều năm và chịu bao gian khổ trong rừng sâu nước độc để hoàn thành nhiệm vụ mở đường, thông tuyến. Thế nhưng, chưa một lần bà than thở những khổ cực đã trải qua. Bởi bà và thế hệ trẻ thời đó luôn khắc sâu trong tâm khảm, vào tim gan, khối óc những câu thơ Bác Hồ tặng riêng cho TNXP: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Trở về quê hương nhưng tuổi xuân thêm một lần lỡ nhịp. Sống đơn thân, sức khỏe yếu, nhưng bà Kén vẫn giữ được phẩm chất của cựu TNXP, người lính Cụ Hồ. Trân trọng và tri ân nữ cựu TNXP khó khăn nhưng tâm sáng, Hội Cựu TNXP tỉnh đã kết nối với Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa và được công ty nhận phụng dưỡng suốt đời, mỗi tháng 500 nghìn đồng.
Có biết bao câu chuyện huyền thoại về những chiến sĩ đã hy sinh, những người con đã gửi lại thanh xuân cho Tổ quốc... Họ đã không tiếc xương máu, tuổi thanh xuân, lao động trong điều kiện khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Bác Hồ giao. Hòa cùng lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam năm xưa thêm một lần được sống lại ký ức hào hùng, sống lại tuổi thanh xuân trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Bài và ảnh: Lê Hà