Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch Hội CCB Hà Tĩnh: Vinh dự được góp phần đưa Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Năm 1974, mới 17 tuổi, đang học cấp 3 ở Cẩm Xuyên, thấy trai làng rộn ràng đi lính, tôi cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện ngắn ở Hương Sơn, tôi được bổ sung vào Đại đội 18, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341. Chúng tôi hành quân vào Quảng Bình, tiếp tục huấn luyện rồi vượt Trường Sơn tiến về Đông Nam Bộ. Là lính thông tin, tôi luôn phải “đi trước về sau” để rải dây, thu dây; mỗi lần hành quân phải mang trên người đủ thứ trang thiết bị, súng ống, tư trang và phải chiến đấu độc lập, không có người yểm trợ.
Trận đánh Xuân Lộc diễn ra từ ngày 9 - 21/4/1975, đập tan cánh cửa phòng thủ của địch ở cửa ngõ Sài Gòn nhằm giúp các cánh quân tiến sâu vào nội thành dễ dàng. Cuộc chiến diễn ra ác liệt suốt 12 ngày đêm, nhất là 5 ngày đầu. Ta và địch giằng co từng cây cầu, đoạn đường. Địch ngoan cố phòng thủ, ta quyết tâm chọc thủng. Quân ta thương vong không ít. Cuối cùng, ta đánh chiếm được ngã ba Dầu Giây, uy hiếp sở chỉ huy tiền phương địch ở Trảng Bom, Biên Hòa. Rạng sáng ngày 27/4, khi đang rải dây cùng 2 chiến sĩ để nối mạng thông tin thì tôi bị thương, máu lênh láng, nằm giữa trận địa suốt 2 ngày 1 đêm. Khi tỉnh dậy, tôi cố lê về phía bụi chuối rồi lịm đi. May thay, các đồng chí ở đơn vị pháo binh 55 nhìn thấy và đưa về Bệnh viện Biên Hòa cứu chữa. Sau khi bình phục, tôi làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn và năm 1976 được ra Bắc an dưỡng, sau đó tiếp tục học sĩ quan rồi về làm công tác quân sự tại địa phương. Cả cuộc đời binh nghiệp, từ khi là lính cho đến khi làm chỉ huy quân sự các huyện, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4, nay làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh, tôi luôn tự hào vì được cùng đồng đội viết tiếp trang sử truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, xứng đáng là người lính từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, phục vụ.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi bồi hồi xúc động, tự hào và hạnh phúc vì đã góp phần mình vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chúng tôi nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, Nhân dân, vận động cán bộ, hội viên tích cực bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh, phục vụ công cuộc đổi mới trên quê hương Hà Tĩnh.
Anh hùng Uông Xuân Lý.
Anh hùng Uông Xuân Lý (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh): Tôi và đồng đội đã sống xứng đáng với tuổi trẻ của mình.
Tôi sinh ngày 7/1/1940 tại xã Sơn Phúc (nay là xã Kim Hoa, Hương Sơn). Tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật Hòa Bình năm 22 tuổi, sau thời gian lăn lộn trên các tuyến đường của vùng núi rừng Tây Bắc, Phú Thọ, đầu năm 1968, tôi được điều về đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Đây là giai đoạn ác liệt vì giặc Mỹ điên cuồng đánh phá nhằm cắt đứt mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.
Với tinh thần “địch phá, ta sửa, ta đi”, “địch phá một thì ta làm mười”, tôi và đồng đội đã quyết tâm san lấp hố bom, mở đường cho xe ra tiền tuyến, đảm bảo mỗi đêm thông xe từ 5-6h và 24 đêm/tháng như yêu cầu của cấp trên giao. Tôi được giao làm Tổ trưởng Tổ máy gạt (máy xúc, ủi). Nhiều lần đối mặt với cái chết nhưng chúng tôi vẫn không ngần ngại, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trong lần phá 2 quả bom nằm chắn ngang cầu Tối để cho đoàn xe 100 chiếc đi qua vào cuối tháng 6/1968, biết rằng có thể chết nhưng tôi đã nhận trách nhiệm vì biết mình còn trẻ, chưa có vợ con. Tôi đã được đồng đội làm lễ truy điệu sống rồi lên xe, vật lộn hơn 1 tiếng đồng hồ, dùng lưỡi gạt để gạt quả bom ra xa. May mắn tôi chỉ bị ngất đi và còn sống sót trở về. Gần 10 năm chiến đấu nơi ác liệt, dẫu bị dập thận và gãy xương sườn, thương tật 56% nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì họ đã không được trở về. Tôi và đồng đội đã sống rất xứng đáng với tuổi trẻ của mình, góp phần nhỏ đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày đó, nghe tin miền Nam giải phóng, chúng tôi đã hạnh phúc, sung sướng biết bao nhiêu. 50 năm, đất nước đã có những đổi thay vô cùng lớn lao. Là người công nhân giao thông, nay tận mắt nhìn thấy những cung đường lớn nhỏ chạy khắp đất nước, từ thành thị vùng sâu vùng xa, nhất là đường cao tốc Bắc - Nam đã đi vào hoạt động ở một số địa phương, rồi đường sắt cao tốc sẽ khởi công trong vài năm tới, đường hàng không phát triển…, tôi thấy vui sướng vô cùng!
Cựu TNXP Trần Thị Châu Lệ.
Cựu TNXP Trần Thị Châu Lệ (74 tuổi, phường Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh): Hạnh phúc bao nhiêu, nhớ thương đồng đội bấy nhiêu.
18 tuổi tôi đã đi TNXP (tháng 7/1969) thuộc quân số C538 N53-P18. Chúng tôi làm đường ở cung đường chiến lược 21, miền Tây Thạch Hà - Hương Khê, rồi lên làm nhiệm vụ ở Binh trạm 25, Hương Khê. Tháng 4/1970, tôi được chuyển sang N334-P39, vào Vĩnh Linh, Quảng Trị làm thủy lợi phục vụ tưới và tiêu nước cho các cánh đồng sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 1971, tôi trở về Hà Tĩnh và được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng, Đại đội 538-N53 P18, làm đường số I và cung đường từ Km 24 đến Km 28 của đường chiến lược 21, đảm bảo thông đường, thông xe cho xe vào Nam chiến đấu. Đây là thời kỳ địch ném bom trở lại khá ác liệt, đồng đội tôi một số người đã hy sinh. Cuối năm 1972, chúng tôi chuyển sang làm đường 22 - ngã ba Thình Thình đi Kỳ Anh. Tháng 1/1973, tôi là C trưởng C538, phụ trách 102 người làm công tác vận tải hàng hóa, san đường, lấp hố bom… Đến tháng 10/1973, tôi được chuyển đi học ở Trường Trung cấp Y tế Hải Dương.
Ngày 30/4/1975, khi tôi đi học về thì nghe đài báo tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau phút reo lên vui mừng, tôi đã khóc vì thương nhớ các bạn đã mãi mãi nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm. Giờ đây, mỗi lần nhắc lại, tôi vẫn cứ nghẹn ngào tiếc thương. 6 nữ TNXP của Đại đội 538 đã hy sinh ngày 18/9/1972 trên cung đường chiến lược 21, họ đều đang độ tuổi 18-20 trong trắng hồn nhiên. Sau khi nghỉ hưu, tham gia hội cựu TNXP xã và TP Hà Tĩnh, năm 2022, tôi đứng ra vận động quyên góp và cùng Ban Liên lạc C538 tổ chức xây dựng công trình am thờ 6 liệt sỹ TNXP tại nơi họ hy sinh. Tổng số kinh phí xây dựng đến nay là 500 triệu đồng. Tôi cũng vận động xây dựng được 4 nhà tình nghĩa cho cựu TNXP ở Thạch Hạ.
50 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi luôn tự nhủ: mình phải cố gắng làm nhiều việc hơn nữa để tri ân những người ngã xuống, tích cực tham gia xây dựng phong trào ở địa phương để làm gương cho thế hệ con cháu noi theo.
Chị Nguyễn Thị Mai, con gái cựu chiến binh Nguyễn Trọng Châu (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên).
Chị Nguyễn Thị Mai - Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng, con gái cựu chiến binh Nguyễn Trọng Châu (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên): Tự hào vì được là con của một người lính.
Mỗi dịp 30/4, khi cả nước hân hoan kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả. Là con của một cựu chiến binh trở về từ kháng chiến chống Mỹ, tôi lớn lên trong những câu chuyện kể của cha về một thời khói lửa, nơi mà tuổi trẻ của ông gắn liền với chiến trường, đồng đội với rất nhiều những hy sinh thầm lặng vì nền độc lập và sự thống nhất của đất nước.
Mỗi khi nhắc đến quá khứ, đặc biệt là câu chuyện cha tôi từng vinh dự được gặp Bác Hồ khi đang công tác tại Quảng Ninh, ánh mắt ông ngời lên niềm tự hào. Cha luôn nhắc nhở con cháu về những mất mát và đau thương mà các bậc cha ông đã phải đánh đổi để có được hòa bình ngày hôm nay.
Khắc ghi những lời dạy của cha, thế hệ chúng tôi luôn nỗ lực trong học tập và làm việc. Suốt 20 năm công tác, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, chú trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, về nguồn, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng…
Giờ đây, tôi luôn coi trọng việc dạy các con về cội nguồn lịch sử; khuyên bảo, định hướng các cháu chăm ngoan, làm những điều hay lẽ phải, xứng đáng với những gì mà các thế hệ cha ông đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập hôm nay. Mỗi dịp 30/4, tôi luôn thầm cảm ơn cha, cảm ơn tất cả những người đã cống hiến vì độc lập và hòa bình hôm nay. Tôi tự hào vì được làm con của cha, làm con của một người lính!
Minh Huệ - Đình Nhất