Mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lương.
Vì sao khó thu hút đầu tư?
Đánh giá về thực trạng thu hút đầu tư trong lĩnh vực, báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, dù nông nghiệp luôn được xem là ngành có vai trò chiến lược và lợi thế lớn của Việt Nam, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vẫn còn rất hạn chế. Phần lớn các dự án FDI có quy mô vừa và nhỏ.
Theo thống kê, khoảng 23% số dự án có vốn đăng ký dưới 1 triệu USD, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao, khó tạo đột phá trong chuyển đổi mô hình sản xuất. Phân bố đầu tư chưa đồng đều giữa các vùng. Phần lớn các dự án tập trung ở những khu vực thuận lợi, gần thị trường tiêu thụ, trong khi những vùng khó khăn, nơi có tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững lại chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược.
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện chỉ khoảng 1-2% DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 DN được công nhận là “DN nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số DN nông nghiệp).
Nguyên nhân do DN vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch vùng nguyên liệu, chưa được triển khai hiệu quả và ổn định, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch sản xuất dài hạn. Đáng chú ý, mặc dù Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có những đóng góp tích cực trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như chính sách chưa đủ hấp dẫn, thủ tục hành chính rườm rà, nguồn lực phân tán và chính sách hỗ trợ chưa linh hoạt, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa.
Cần có cơ chế ưu đãi riêng
Thực tế cho thấy, điều mà các nhà đầu tư cần nhất khi tham gia hợp tác vào nông nghiệp không phải là vốn, mà là một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, được giải đáp kịp thời vướng mắc về chính sách. Xuất phát từ thực tế này, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Chính sách thuế hiện hành chưa phản ánh đúng đặc thù rủi ro, chu kỳ sản xuất dài của ngành nông nghiệp. Theo ông Báo, đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ phải được coi là hạt nhân của phát triển nông nghiệp hiện đại. Chính sách cần đặt ưu tiên cho giống cây trồng, công nghệ chế biến sâu và xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn - những nền tảng không thể thiếu.
“Chúng ta không nên áp dụng thuế như nhau giữa các ngành. Nông nghiệp cần có cơ chế ưu đãi thuế riêng để khuyến khích DN đầu tư dài hạn” - ông Báo đề xuất.
Ở góc độ DN, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, để DN đồng hành với nông dân, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững; cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định cho DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
“Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt quy định phức tạp và tăng cường sự minh bạch trong quản lý. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ, cung cấp cho các DN tại địa phương các gói tài trợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu, nhằm giảm bớt rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư” - ông Phòng nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hưng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sau 5 năm triển khai, nhiều quy định của Nghị định 57 đã bộc lộ bất cập. Quy trình thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt, nguồn lực hỗ trợ phân tán, khó tiếp cận đối với DN vừa và nhỏ. Một số chính sách chưa thực sự tạo ra sức hút cho khu vực tư nhân, đặc biệt trong đầu tư vào hạ tầng sản xuất nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Việc ban hành Nghị định mới không đơn thuần là sửa đổi, mà là một sự tái định hình cơ chế hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp. Phải thiết kế chính sách theo hướng mở ra môi trường đầu tư mới, thể chế mới, kiến tạo mới. Làm sao để DN có động lực đi vào vùng sâu vùng xa, hỗ trợ thu mua nông sản cho bà con, tham gia chuỗi giá trị dài hạn, bền vững.
Khanh Lê