Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thế Hùng
Theo báo cáo của Sở Công thương, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16/47 CCN được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích hơn 490 ha (đã bao gồm cả phần diện tích tính mở rộng), đạt tỷ lệ hơn 28% tổng diện tích theo Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong tổng số 16 CCN đã được thành lập, giao chủ đầu tư, có 12/16 CCN thu hút đầu tư được gần 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 6.700 lao động. Nhìn chung, công tác phát triển CCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, khó khăn. Tiến độ triển khai các dự án hạ tầng CCN rất chậm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thị Kim Nga phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thế Hùng
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong phát triển các CCN như vướng mắc trong công tác chi trả bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT - GPMB); thực hiện công tác bảo vệ môi trường... Đồng thời đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ trong quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là công tác BT - GPMB...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông ghi nhận và khẳng định việc phát triển các CCN thời gian qua đã góp phần hỗ trợ, bổ sung cho các KCN; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, giải quyết việc làm tại chỗ và tạo thu nhập cho lao động trong khu vực nông thôn, thúc đẩy sự phát triển KT - XH của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Chí Giang phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thế Hùng
Tuy nhiên, công tác phát triển CCN cơ bản chưa đạt được các mục tiêu chủ yếu đã đề ra; đóng góp của các CCN vào thu ngân sách, sự phát triển KT - XH của tỉnh còn thấp; công tác quản lý Nhà nước đối với CCN còn nhiều hạn chế...
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về phát triển CCN thời gian tới.
Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương thực hiện đầu tư phát triển các CCN chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng đầu tư hạ tầng các CCN.
Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Huy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thế Hùng
Phát triển CCN mới có chọn lọc, không ồ ạt; ưu tiên phát triển CCN tại các địa phương có điều kiện thuận lợi hoặc để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư vào các CCN.
Chú trọng lựa chọn doanh nghiệp thực hiện đầu tư hạ tầng CCN phải có năng lực, kinh nghiệm về đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các CCN. Nghiên cứu, có biện pháp chuyển giao các CCN hiện nay do các đơn vị sự nghiệp công lập của các địa phương làm chủ đầu tư sang cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư theo quy định.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thế Hùng
Sở Công thương nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về CCN; tiếp tục rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc đối với từng CCN hiện nay, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng để nghiên cứu, giải quyết, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các CCN trên địa bàn tỉnh...
Lưu Nhung
'