Anh Thao Văn Sung, ở bản Cơm, xã Pù Nhi không đủ điều kiện nhận hỗ trợ xây nhà mới theo Chỉ thị 22 do thửa đất anh đang ở thuộc đất lâm nghiệp.
Nhu cầu lớn, khó khăn nhiều
Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, cũng là huyện có số hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở nhiều. Qua rà soát nhu cầu theo Chỉ thị 22, toàn huyện có 1.117 hộ (trong đó nhu cầu xây mới là 790 hộ, sửa chữa là 327 hộ). Chỉ thị 22 đã mang niềm hy vọng cho những gia đình khó khăn có được căn nhà kiên cố, an toàn.
Ông Hơ Văn Pó, ở bản Cơm, xã Pù Nhi, là một trong những hộ vừa được hỗ trợ xây nhà mới. Ông Pó có hoàn cảnh rất éo le. Vợ ông mất sớm, bản thân ông lại bị câm điếc, người con trai duy nhất của ông đang phải chấp hành án phạt tù vì vi phạm pháp luật nên ông phải chăm sóc cháu nội còn nhỏ. Từ mùa đông này, ông được ở trong căn nhà mới, được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo Chỉ thị 22, đã giúp ông vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống và được đón một cái tết đủ đầy hơn.
Tuy nhiên, theo ông Lâu Văn Dính, Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, việc triển khai Chỉ thị 22 tại địa phương còn nhiều khó khăn. Trong số 39 hộ được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở theo Chỉ thị 22 năm 2024, xã Pù Nhi vẫn còn 9 hộ chưa thể xây dựng vì các vấn đề liên quan đến đất đai. Đơn cử như gia đình anh Thao Văn Sung, ở bản Cơm, dù căn nhà hiện tại đã xuống cấp, xập xệ nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ xây nhà mới theo Chỉ thị 22, do thửa đất anh đang ở thuộc đất lâm nghiệp.
Anh Thao Văn Sung cho biết: "Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, nhà anh lại đông anh em nên vợ chồng tôi phải tách hộ ra ở riêng. Do quỹ đất địa phương hạn hẹp, năm 2013 tôi phải xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp của gia đình. Mong rằng địa phương có phương án hỗ trợ hộ gia đình đổi đất ở, hoặc có phương án giúp gia đình đến một vị trí khác nằm trong quy hoạch đủ điều kiện để được thụ hưởng chính sách”.
Tại Trung Lý, là xã có tới 11 bản người Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhu cầu sửa chữa và xây mới nhà ở là rất lớn. Tuy nhiên, nhiều bản như Tà Cóm, Pa Búa, Cá Giáng, Cánh Cộng... nằm cách xa trung tâm gần 50km, giao thông đi lại khó khăn, khiến chi phí xây dựng (cát, xi măng, gạch... ) tăng cao. Mức hỗ trợ 80 triệu đồng dù rất thiết thực nhưng vẫn không đủ để các hộ nghèo xây nhà mới. Việc vay mượn thêm đối với các hộ cũng rất khó khăn, dẫn đến tình trạng đã có trường hợp phải từ chối nhận hỗ trợ nhà ở theo Chỉ thị 22. Đơn cử, trường hợp bà Len Thị Nghéo, ở bản Táo. Bà Nghéo thuộc diện hộ nghèo neo đơn, dù đang sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng khi địa phương đưa vào danh sách để hỗ trợ xây nhà theo Chỉ thị 22, bà đã phải từ chối do không đủ khả năng vay mượn thêm để xây dựng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực hiện Chỉ thị 22, năm 2024 huyện Mường Lát được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng nhà ở cho 340 hộ. Tính đến tháng 1/2025, từ nguồn vốn Chỉ thị 22 và các nguồn vốn lồng ghép khác huyện đã xây dựng nhà ở mới cho 191 hộ. Ông Lò Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Một trong những khó khăn trong thực hiện Chỉ thị 22 trên địa bàn huyện Mường Lát là do yếu tố đặc thù của huyện vùng biên. Nếu chiếu theo Công văn số 5440/STC-TCĐT, ngày 20/9/2024 của Sở Tài chính về hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng, giải ngân và thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ từ cuộc vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025, tại mục 5 phần II, hồ sơ quyết toán có yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chính chủ. Đây là một trong những “rào cản” lớn trong thực hiện Chỉ thị 22 tại huyện Mường Lát.
Theo ông Đồng phân tích, do khó khăn về quỹ đất, khiến cho tình trạng người dân trên địa bàn đa số xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân, nhưng do địa hình Mường Lát chủ yếu là đồi núi cao, hay xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các hộ gia đình thường xuyên phải di chuyển chỗ ở... nên việc xử lý triệt để tình trạng trên gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng bộ các giải pháp
Để khắc phục những khó khăn trên, ngày 10/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 18323/UBND-NN về việc đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chỉ thị 22. Văn bản nhấn mạnh việc khẩn trương rà soát các hộ đang sử dụng đất nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ để phân loại, giải quyết; đồng thời, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và các hộ còn khó khăn về nhà ở.
Sở Tài chính cũng ban hành Văn bản số 7504/STC-TCĐT, ngày 10/12/2024 sửa đổi nội dung hướng dẫn tại mục 5 phần II Công văn số 5440. Theo đó, hồ sơ quyết toán chỉ cần giấy xác nhận của UBND xã về đất ở không có tranh chấp. Sự điều chỉnh này đã giải quyết căn bản khó khăn trong việc xác lập hồ sơ, đối tượng thụ hưởng theo Chỉ thị 22 của huyện Mường Lát. Tuy nhiên, qua thống kê, rà soát của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát, trên địa bàn huyện có tới 507 trường hợp hộ gia đình vi phạm về đất đai trước năm 2014; 637 trường hợp vi phạm sau năm 2014. Trong số 790 hộ nằm trong diện rà soát xây dựng nhà ở theo Chỉ thị 22, đến nay huyện đã nỗ lực cấp GCNQSDĐ cho 92 hộ; đang hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho 135 hộ. Đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, theo ông Hà Văn Tế, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát: Các phòng, ban chuyên môn của huyện đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân lập hồ sơ để cấp GCNQSDĐ theo quy định. Riêng các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, huyện đang tổng hợp lập danh sách, phân loại theo các trường hợp, có ý kiến đề xuất phương án giải quyết, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.
“Với đặc thù khó khăn về quỹ đất ở, huyện Mường Lát đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hợp tác trong việc đổi đất, chia tách đất, và bố trí thửa đất sao cho phù hợp với quy hoạch để tất cả các hộ dân đang khó khăn về nhà ở sớm được thụ hưởng chính sách từ Chỉ thị 22. Song song với đó, huyện cũng tích cực kêu gọi sự hỗ trợ, chung tay từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các nguồn lực cộng đồng hỗ trợ để giúp các hộ nghèo hiện thực hóa ước mơ về một ngôi nhà kiên cố” - ông Tế nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Đình Giang