Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hộ gia đình, cá nhân phải triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chậm nhất là ngày 31-12-2024. Tại Bình Dương, 9/9 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này vẫn còn những khó khăn, bất cập.
Ngành chức năng TP.Bến Cát tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác theo đúng quy định
Còn những bất cập
Ghi nhận cho thấy, tại huyện Phú Giáo, ngày 4-5- 2024 UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Thực hiện kế hoạch này, Xí nghiệp Công trình công cộng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành xác định địa điểm, lộ trình, tần suất, thời gian… thu gom CTRSH sau phân loại đúng theo yêu cầu. Tuy nhiên, do địa bàn các xã rộng lớn, dân cư thưa và sinh sống phân tán, nên cần nhiều thời gian thu gom, vận chuyển rác. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa đơn vị thu gom và các xã, thị trấn chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số khu vực bị bỏ sót hoặc thu gom không đều đặn. Trong khi đó, hiện tại ngân sách dành cho công tác thu gom và xử lý chất thải không đủ để đầu tư, duy trì hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn…
Lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh cho biết kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023- 2025 không có nội dung thực hiện lựa chọn cơ sở sản xuất và phân phối bao bì đựng CTRSH, do đó địa phương không có cơ sở đưa nội dung này vào kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các điểm giao nhận liên phường trên địa bàn thành phố là một nhiệm vụ mới đòi hỏi cơ sở pháp lý chặt chẽ, đồng thời chi phí đầu tư cao, do vậy không thể sớm triển khai xây dựng theo yêu cầu... Theo lãnh đạo TP.Bến Cát, các định mức chi phí liên quan đến việc vận chuyển CTRSH tại nguồn đến các trạm trung chuyển, điểm tập kết; các hướng dẫn về bao bì lưu, chứa chất thải chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể và có sự chồng chéo trong phân cấp, do đó địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai.
Nhiều địa phương cũng cho rằng mức giá phí thu gom rác theo Quyết định số 64/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh chưa phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn cho đơn vị xã hội hóa thực hiện thu gom CTRSH tại nguồn, đặc biệt là các đơn vị thu gom khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy tại khu vực nông thôn, do dân cư thưa, điểm thu gom rác đặt khá xa nên có tình trạng người dân tự treo túi bỏ rác thải trước nhà mà không mang đến điểm thu gom. Một số người dân thì phản ánh, mặc dù người dân có phân loại rác thải nhưng xe thu gom đến cũng dồn hết vào một chỗ...
Theo lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh, phân loại CTRSH tại nguồn không phải là việc làm mới, do thói quen của người dân, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh nên cũng còn những người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa thực hiện nghiêm túc các quy định. Trong khi đó, hiện tại cán bộ chuyên trách, kinh phí, hạ tầng cơ sở phục vụ cho công tác phân loại CTRSH tại nguồn còn thiếu, chưa tương xứng với khối lượng công việc phát sinh...
Nỗ lực gỡ khó
Ông Trần Thanh Quang, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết trong thời gian qua ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý CTRSH, nhất là phân loại CTRSH tại nguồn là xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và quy hoạch, bố trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH, khu xử lý chất thải tập trung.
Đối với đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, trong thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng 3 dự thảo thông tư về quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; bổ sung phương pháp xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và sửa đổi phương pháp xây dựng đơn giá xử lý CTRSH đối với các cơ sở xử lý. Các dự thảo thông tư này đã lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các ngành, địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hoàn thiện và dự kiến ban hành các thông tư này trong quý IV-2024. Tỉnh Bình Dương cũng đang nghiên cứu xây dựng bộ đơn giá phù hợp để áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Về quy hoạch, bố trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH và khu xử lý chất thải tập trung, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu xử lý chất thải rắn, gồm Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương (rộng 100 ha) tại TP.Bến Cát; Khu xử lý chất thải Tân Long (rộng 400 ha), tại huyện Phú Giáo và Khu xử lý chất thải Bình Mỹ (rộng 150 ha), tại huyện Bắc Tân Uyên. Đến nay, có 6/9 huyện, thành phố đã quy hoạch, bố trí 10 trạm trung chuyển CTRSH, trong đó có 5 trạm đang hoạt động, 1 trạm dự phòng và 4 trạm đang quy hoạch; có 5/9 huyện, thành phố đã quy hoạch, bố trí điểm tập kết CTRSH. Các địa phương còn lại đang chỉ đạo cấp xã xem xét bố trí điểm tập kết CTRSH và đưa vào vận hành trước ngày 31- 12-2024 theo đúng quy định.
Ông Trần Thanh Quang cho biết thêm trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu và triển khai các hoạt động liên quan tới công tác quản lý CTRSH và công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh bảo đảm theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), cho biết dự thảo thông tư về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH và dự thảo thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH của Bộ Tài nguyên và Môi trường được xây dựng để áp dụng chung trên toàn quốc, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương sẽ xem xét và quyết định áp dụng sao cho phù hợp. Đến thời điểm hiện tại, các dự thảo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường có cập nhật mới, do đó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cần rà soát để tiếp tục hoàn thiện.
TIẾN HẠNH